Pháp luật

30 tỉ đồng bồi thường oan cho những người vô tội

Số vụ làm oan chỉ chiếm 0,02% nhưng lại thường xảy ra ở những vụ trọng án giết người, cướp của, hiếp dâm... để lại hậu quả nghiêm trọng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đang trình bày

 

Sáng 10-4, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội đã nghe đoàn giám sát của Quốc hội báo cáo về việc giám sát tình hình án oan. 

 

Án oan thường xảy ra ở những vụ cướp, hiếp, giết

 

Theo báo cáo nêu, loại án thường dẫn đến oan chủ yếu là án giết người, cướp tài sản hoặc hiếp dâm, giết người không quả tang mà quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn, và loại án về kinh tế do chủ quan của một số cơ quan tố tụng nhận thức không đúng, chưa phân biệt được vi phạm pháp luật và hành vi phạm tội đã hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế thành các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. 

 

“Tuy số trường hợp oan, sai không nhiều nhưng hậu quả gây ra là hệ trọng, có vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận, như vụ bảy thanh niên ở Sóc Trăng bị bắt giam oan; vụ năm Công an ở Tuy Hòa, Phú Yên dùng nhục hình dẫn đến chết người”- dự thảo báo cáo nhận định.

 

Báo cáo nêu rõ, trong kỳ giám sát (1-10-2011 đến ngày 30-9-2014), khởi tố, điều tra 219.506 vụ với 338.379 bị can nhưng số vụ làm oan người vô tội trong 3 năm chỉ có 71 trường hợp, chiếm 0,02%, trong đó CQĐT đình chỉ 31 bị can do không có sự việc phạm tội, 12 bị can do hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm; VKS đình chỉ 9 bị can do không có sự việc phạm tội, 19 trường hợp bị tòa án tuyên không phạm tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật...

 

Trong kỳ, tổng số tiền phải bồi thường cho các trường hợp tuy không lớn (khoảng trên 30 tỉ đồng) nhưng việc bồi thường cơ bản còn chậm; hiện đang có một số vụ người bị oan đề nghị bồi thường với số tiền rất lớn như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) hơn 9 tỉ đồng; vụ ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) trên 22 tỉ đồng và kéo dài 9 năm đến nay chưa giải quyết xong.

 

Điều tra viên dụ cung khi lấy lời khai

 

Theo báo cáo của Đoàn giám sát Quốc Hội, đã xảy ra tình trạng dụ cung khi lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can. Trong vụ án hiếp dâm trẻ em, điều tra viên đã dụ cung bị can Nguyễn Toàn Thắng (Bình Phước, bị khởi tố về tội “Hiếp dâm trẻ em”): “nếu nhận tội thì sẽ cho về thi tốt nghiệp phổ thông và đại học” trong khi kết luận giám định và các tài liệu khác thì không đủ căn cứ buộc tội.

 

Qua giám sát cho thấy, các hành vi bức cung, dùng nhục hình thường diễn ra ngay sau khi tạm giữ hoặc khi lấy lời khai mà đối tượng không nhận tội. Việc tố giác bức cung, nhục hình và việc điều tra chứng minh việc bức cung, dùng nhục hình thường gặp khó khăn do hành vi phạm tội xảy ra tại địa điểm, bối cảnh đặc biệt, khép kín. Nhiều trường hợp khi ra tòa bị cáo mới khai bị bức cung, nhục hình hoặc khi người bị tạm giữ chết và có tố cáo gay gắt thì mới được phát hiện.

 

Cũng theo báo cáo, nguyên nhân của các trường hợp mớm cung, dụ cung, bức cung, dùng nhục hình chủ yếu là do tư tưởng nóng vội, bệnh thành tích và nhất là do yếu kém về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ điều tra. Tại các địa phương xảy ra một số vụ nhục hình có phần trách nhiệm của VKS trong kiểm sát điều tra ngay từ khi bắt, tạm giữ.

 

Theo phản ánh của một số đoàn luật sư, việc tham gia tố tụng sớm của Luật sư sẽ hạn chế bức cung, nhục hình, nhưng nhiều nơi luật sư còn gặp khó khăn khi gặp, hỏi người bị tạm giữ, tạm giam.

 

Dự thảo báo cáo giám sát nhận định, việc giải quyết các đơn tố cáo về bức cung, dùng nhục hình trong quá trình điều tra còn chậm, ảnh hưởng quyền con người, quyền công dân. ”Việc xử lý đối với cán bộ vi phạm pháp luật có biểu hiện nương nhẹ, kể cả một số trường hợp xử lý hình sự thì kết quả xét xử cũng thiếu nghiêm minh, chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra”- dự thảo báo cáo nêu rõ.

 

Báo cáo còn chỉ rõ có việc đùn đẩy trách nhiệm giữa VKS và cơ quan điều tra (CQĐT) trong việc ra quyết đình chỉ điều tra. Khi phát hiện hành vi của bị can không cấu thành tội phạm hoặc không có sự việc phạm tội VKS không quyết định đình chỉ ngay, mà trả hồ sơ điều tra bổ sung để yêu cầu CQĐT đình chỉ dẫn đến chậm chễ trong việc khắc phục sai phạm, chậm trả tự do cho bị can. Có không ít vụ án đình chỉ điều tra miễn trách nhiệm hình sự do CQĐT áp dụng không đúng quy định tại khoản 1 Điều 25 BLHS nhưng VKS không ra quyết định hủy bỏ hoặc yêu cầu hủy bỏ. Chỉ đến khi có đơn khiếu nại của đương sự hoặc VKS cấp trên kiểm tra phát hiện, VKS cấp dưới mới yêu cầu hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra miễn trách nhiệm hình sự để ra quyết định đình chỉ điều tra khác như đình chỉ do hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm hoặc đình chỉ do hành vi bị can không cấu thành tội phạm...

Theo pháp luật Tp.HCM
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo