3G bẫy người dùng ?
Kích hoạt dịch vụ mập mờ, trừ cước vô tội vạ, giải thích không thỏa đáng là bức xúc phổ biến nhất của những người đang sử dụng dịch vụ điện thoại di động.
Anh B.Q.T, chủ thuê bao di động mạng Viettel 0965770xxx, phản ảnh: “Tháng trước Viettel có chương trình khuyến mãi gói Mimax 15.000 đồng/tháng, mình thấy rẻ nên đã đăng ký dùng. Nhưng sau đó, nhà mạng này không hề thông báo đã tự động gia hạn gói Mimax 70.000 đồng. Chỉ đến khi bị trừ tiền mình mới biết…". Giải thích trường hợp này, đại diện mạng Viettel cho rằng chương trình khuyến mãi đăng ký Mimax 15.000 đồng/tháng từ ngày 8.8 - 30.9.2014. Nếu chưa hủy dịch vụ thì sang tháng sau hệ thống tính cước như bình thường. Tuy nhiên, anh B.Q.T nói: “Tôi không hề nhận được tin nhắn từ tổng đài Viettel về việc sẽ gia hạn gói cước này mà tự động điều chỉnh thành 70.000 đồng/tháng. Nhà mạng không thông báo thì ai biết mà hủy?”.
Tháo sim vẫn bị trừ tiền
Khách hàng Bùi Quang Hải (ngụ tại Thái Nguyên) kể: “Mình đăng ký sim Viettel trả sau gọi 1.500 phút nội mạng miễn phí, toàn bộ cước trọn gói trong tháng là 200.000 đồng. Mọi tháng mình không chú ý, nhà mạng bảo thanh toán bao nhiêu thì thanh toán bấy nhiêu. Tháng rồi mình nghi ngờ kiểm tra lại thì ôi thôi, tự dưng đâu lòi ra 40.000 đồng cước nhắn tin và cước thuê bao tháng 45.000 đồng trong khi vẫn có cả 200.000 đồng kia nữa. Gọi điện tới trung tâm thì nhân viên tổng đài bảo không có đủ thẩm quyền để kiểm tra, bảo mình ra trung tâm. Mình là công nhân đi làm cả ngày thời gian đâu chạy đến trung tâm để hỏi?”.
Một cái “bẫy” mà rất nhiều người bị "sập" là các nhà mạng luôn thực hiện gia hạn gói cước thuê bao, tạo thói quen cho khách hàng rằng khi hết thời hạn, gói cước sẽ tự động được gia hạn. Nhưng đến một ngày "đẹp trời" bất kỳ, nhà mạng "bỗng dưng" gửi tin nhắn yêu cầu thực hiện lại thủ tục thuê bao. Có khách không để ý, có khách nhầm tưởng tin nhắn rác bỏ qua luôn là bị trừ tiền chí mạng. Chị N.H, chủ thuê bao 0918148xxxx mạng Vinaphone, kể: “Tôi đăng ký gói cước 3G Max của Vinaphone, hằng tháng nhà mạng vẫn tự gia hạn nhưng tháng vừa rồi tự dưng yêu cầu thực hiện lại thủ tục thuê bao. Sợ tin nhắn rác, nếu trả lời lại bị trừ mất 15.000 - 20.000 đồng nên tôi bỏ qua. Đến khi nạp thêm 200.000 đồng và bị trừ hết chỉ trong vòng 5 ngày thì tôi mới ngã ngửa. Mà không hiểu nhà mạng trừ cái gì vì ở nhà, ở cơ quan tôi đều sử dụng wifi chứ đâu có sử dụng 3G, sao trừ tiền nhanh vậy?”.
Chị H., chủ thuê bao số 0913400xxx, cho biết: “Mình đã thử kiểm tra bằng cách đăng ký dịch vụ 3G của Vinaphone rồi tháo sim ra, cất vào ví, sau đó mỗi ngày lấy ra kiểm tra tài khoản thì thấy rõ ràng không sử dụng nhưng vẫn bị trừ tiền”.
Tình trạng trừ tiền vô tội vạ đối với gói cước D1 cũng được khá nhiều trường hợp chia sẻ trên các diễn đàn về mạng di động. Đ.V.K, một khách hàng ở Bến Tre, phản ảnh: “Mình đang dùng gói cước siêu tiết kiệm D1 của Vinaphone (đăng ký 5.000 đồng để xài internet 1 Gb/ngày). Đủ 6 lần, mỗi lần nạp 10.000 đồng đăng ký, thừa tiền để đăng ký lần sau nhưng không hiểu sao mỗi lần xài là mỗi lần bị trừ còn 1.000 đồng. 4 lần đầu nghĩ là do mình để lố lưu lượng nhưng 2 lần sau mình cố tình xài khoảng 300 Mb rồi tắt nguồn điện thoại nhưng vẫn bị trừ tiền. Nhà mạng ăn gian trắng trợn quá”.
Kiếm ngàn tỉ
Theo giải thích của các nhà mạng, giá cước 3G ở VN thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và bán giá chỉ bằng 35 - 68% so với mức giá thành của dịch vụ. Còn theo số liệu do Bộ Thông tin - Truyền thông công bố, giá cước dịch vụ dữ liệu 3G của VN sau khi điều chỉnh trung bình là 111 đồng/Mb, chỉ bằng 34,9% giá cước trung bình của khu vực ASEAN (318 đồng/Mb). Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế tại TP.HCM cho rằng đó là sự so sánh khập khiễng vì chính sách phát triển internet, viễn thông, rồi thuế, phí, chi phí khai thác tài nguyên viễn thông, thu nhập trên đầu người khác nhau... nên không thể nói như vậy. Thậm chí, tính đúng - đủ ở nhiều gói cước, VN đang đắt hơn so với khu vực.
Anh Nguyễn Ngọc Thắng, một chuyên gia về tin học - viễn thông ở TP.HCM phân tích: “Đối với các gói cước trọn gói (600 Mb/tháng), sau khi sử dụng hết dung lượng cho phép thì tốc độ đường truyền 3G của cả 3 mạng MobiFone, Vinaphone và Viettel đều giảm xuống 32 Kbps. Đây là tốc độ rất thấp, thua cả đường truyền Dial - up bằng điện thoại bàn trước kia. Với băng thông này thì lướt web cũng đã khó chứ đừng nói đến xem video hay nghe nhạc. Còn ở các gói cước có giới hạn, cả 3 nhà mạng đều áp dụng mức cước 25 đồng/50 KB cho những dung lượng bị dùng vượt mức. Tính ra giá cước này hơn 500 đồng/Mb, cao hơn mức bình quân của khu vực ASEAN là 318 đồng/Mb. Đối với trường hợp không đăng ký gói cước mà sử dụng theo dạng xài bao nhiêu tính bấy nhiêu thì giá cước còn cao hơn rất nhiều. Cụ thể, với mức giá công bố của các nhà mạng là 1,5 đồng/Kb, mỗi Mb sử dụng là 1.536 đồng (1 Mb = 1.024 Kb). Nếu dùng khoảng 500 Mb (tương đương với gói thuê bao tháng) thì hết gần 800.000 đồng, cao gấp 5 lần so với giá cước 3G trong khu vực”.
Điều đáng nói, cách tính cước hiện nay của các nhà mạng hết sức nhập nhằng, đánh đố người tiêu dùng. Ngoài việc giá cước không hợp lý, chất lượng cũng chập chờn thua xa các nước trong khu vực và “đẻ” ra quá nhiều gói cước với giá khác nhau gây “hoa mắt” cho người dùng. Ước tính hiện nay các nhà mạng đều có từ 7 - 10 gói cước với những ký hiệu riêng biệt.
Ông Phạm Tiến Thịnh, một chuyên gia về viễn thông, nhận định: VN không có một cơ quan quản lý thị trường viễn thông độc lập như các nước nên chất lượng 3G cũng như giá thành khó kiểm soát. Từ đó việc bảo vệ quyền lợi cho người dùng cũng chưa thực thi được.
Năm 2013, doanh thu dịch vụ 3G của các nhà mạng ước khoảng 7.200 tỉ đồng. Nếu tính mức tăng giá cước trung bình 20% như dự kiến theo sự cho phép của Bộ Thông tin - Truyền thông, khoản cước tăng có thể giúp các nhà mạng có thêm 1.440 tỉ đồng bỏ túi mỗi năm, chưa kể các khoản tính sai, trừ tiền sai mà người sử dụng không biết hoặc biết mà đành im lặng.
Cần có bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng
Hiện nay cả nước đã có gần 20 triệu khách hàng sử dụng 3G nhưng theo Bộ Thông tin - Truyền thông, đến thời điểm này vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá chất lượng 3G mặc dù dịch vụ này đã được đưa vào khai thác gần 5 năm. Việc quản lý chất lượng 3G hiện nay chủ yếu theo cam kết của doanh nghiệp về chỉ tiêu chất lượng truyền tải dịch vụ nhưng cũng không có sự thống nhất giữa các nhà cung cấp dịch vụ về các chỉ tiêu này. Do đó, nhiều sự cố và khiếu nại của khách hàng về chất lượng dịch vụ cũng như công tác quản lý của các cơ quan chức năng hầu như không có đủ cơ sở để xử lý.
End of content
Không có tin nào tiếp theo