4 bài học đầu tư từ những người giàu nhất nước Mỹ
Sự mất cân bằng thu nhập như vậy chắc chắn không được những người lao động bình thường ủng hộ, tuy nhiên họ không thể thay đổi được thực tế này. "Không có âm mưu gì ẩn sau thực tế đáng thất vọng này. Người nghèo chắc chắn không nghèo vì người giàu giàu”, Warren Buffett - nhà đầu tư thành công nhất còn sống hiện nay, CEO của Berkshire Hathaway - giải thích trong một bài viết trên tờ The Wall Street Journal.
Ngoài CEO Facebook Mark Zuckerburg cam kết ủng hộ 99% cổ phiếu cá nhân (tương đương 45 tỷ USD) cho mục đích từ thiện trong suốt cuộc đời, CEO Lenovo Yang Yuanqing 2 lần chia sẻ tiền thưởng trị giá hàng triệu USD cho nhân viên, hay người sáng lập Microsoft Bill Gates và huyền thoại đầu tư Warren Buffett cam kết cho đi phần lớn tài sản sau khi chết, vẫn còn hàng ngàn CEO khác trên khắp nước Mỹ cung cấp các khoản thưởng cho nhân viên để trao lại cho những người đang cần giúp đỡ ở cộng đồng địa phương.
Dưới đây là 4 bài học đầu tư và quản lý tiền bạc của top 1% người giàu nhất nước Mỹ được ghi lại trên trang Foxbusiness:
1. Suy nghĩ khác biệt về các khoản chi tiêu
Một trong những khác biệt lớn nhất giữa 1% người giàu và 99% người thường là cách quản lý chi tiêu.
Không phải tất cả mọi người đều phải lập ngân sách cho cuộc sống của họ, nhưng bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng nhiều người giàu nhất thế giới sống tốt với số tiền chi tiêu dưới mức thu nhập của họ, một số người còn lập danh sách các khoản chi tiêu hàng năm của họ.
Ví dụ, Warren Buffett vẫn sống trong ngôi nhà mà ông mua từ năm 1958 với giá 31.500 USD, trong khi giá trị tài sản của người giàu thứ hai thế giới đã vượt quá con số 70 tỷ USD nhưng ông không thấy cần thiết phải phô trương sự giàu có bằng một ngôi nhà lớn.
Tác giả kiêm lãnh đạo doanh nghiệp David Wood cho rằng, ngoài việc lập ngân sách các khoản chi tiêu, mọi người cần xem số dư ngân sách là một khoản chi phí chứ không phải là một tài sản.
Hầu hết mọi người nhìn con số 200 USD dư ra vào cuối tháng là lý do để tiến hành một kỳ nghỉ hoặc tổ chức tiệc tối kỷ niệm với người đặc biệt. Tuy nhiên, người giàu lại có số tiền này là một khoản chi phí, và vì thế họ có xu hướng trả cho chính họ trước tiên thông qua các khoản đầu tư, tiết kiệm, tặng từ thiện…
Đầu tư vào chính họ là việc bắt buộc phải thực hiện thường xuyên với người giàu, nhưng lại không phải là điều nhất thiết phải làm đối với 99% còn lại.
2. Tiết kiệm hiệu quả
Một khác biệt lớn khác giữa 1% người giàu và 99% còn lại là họ tiết kiệm được nhiều tiền. Những người giàu có nhất có thu nhập cao hơn người bình thường nên chúng ta thường nghĩ họ có thể tiết kiệm được nhiều hơn. Nhưng điểm khiến người giàu nổi bật hơn là khả năng tiết kiệm được số phần trăm thu nhập hằng năm cao hơn những người khác.
Theo ghi nhận của Emmanuel Saez và Gabriel Zucman - 2 tác giả của cuốn The Distribution of Wealth, Capital Income, and Returns since 1913, những người thuộc nhóm 90% còn lại tiết kiệm trung bình 4% thu nhập hằng năm của họ. Những người Mỹ thuộc từ top 10% cho tới 1% có xu hướng tiết kiệm 12% thu nhập hằng năm. Trong khi đó, những người Mỹ thuộc top 1% tiết kiệm tới 38% thu nhập hằng năm.
Họ làm điều này bằng cách nào? Nói một cách đơn giản, hầu hết những người giàu có xu hướng sống tốt trong phạm vi thu nhập của họ, họ hiểu tầm quan trọng của việc quản lý cẩn thận tiền bạc, và họ chỉ chi tiền cho những thứ khiến họ trở nên tốt đẹp hơn.
Họ đầu tư vào các cổ phiếu và trái phiếu, họ bỏ tiền tham dự các buổi hội thảo có thể mở rộng kiến thức của họ vì nó có liên quan tới các khoản đầu tư hoặc công việc của họ, và họ mua những quyển sách có thể giúp mở rộng kiến thức và khả năng sáng tạo.
Họ dùng khả năng lập ngân sách và tiết kiệm của mình như một bàn đạp để giúp bản thân trở nên tốt đẹp hơn và luôn đi đúng lộ trình đã vạch ra.
3. Thiết lập những mục tiêu dài hạn
Trong khi 99% người bình thường làm mọi thứ để để có thể giàu có, từ việc mua xổ số cho tới chơi các game thể thao hằng ngày thì người giàu lại không làm như vậy bởi họ hiểu giá trị của thời gian và sử dụng nó tốt hơn những người khác.
Warren Buffett từng nói về việc sở hữu cổ phiếu như sau: "Nếu bạn không cảm thấy thoải mái với việc sở hữu thứ gì đó trong vòng 10 năm, vậy thì đừng sở hữu nó trong vòng 10 phút”.
Công ty Berkshire Hathaway của Warren Buffett bắt đầu mua cổ phần của hãng đồ uống Coca-Cola từ năm 1988 và giờ đây đang sở hữu khoảng 400 triệu cổ phiếu trong danh mục đầu tư. Trong lĩnh vực thời trang, Buffett bắt đầu mua cổ phiếu của công ty Wells Fargo từ năm 1989.
Hiện giờ Berkshire sở hữu gần 471 triệu cổ phiếu tương đương 9,2% tất cả các loại cổ phiếu nổi tiếng nhất. Đây là những thương hiệu nổi tiếng trả cổ tức đều đặn mà Buffett sẽ còn nắm giữ trong nhiều thập kỷ nữa. Bài học mà Buffett dành cho giới đầu tư rất đơn giản: mua cổ phiếu những công ty chất lượng, hiểu và gắn bó với họ. Đơn giản chỉ có vậy.
4. Đa dạng hóa thu nhập
Những người Mỹ giàu có nhất thường không chỉ dựa vào một nguồn thu nhập duy nhất. Bạn sẽ thấy hiếm khi người Mỹ giàu có đặt toàn bộ số trứng của họ vào một giỏ. Thay vào đó, họ tìm cách đa dạng hóa nguồn thu nhập để khối tài sản của họ ngày càng cao hơn và không mạo hiểm đặt cược tất cả vào chỉ một nguồn thu.
Ví dụ, người lao động bình thường chỉ dựa vào lương từ công việc của họ và đó là phần lớn thu nhập của họ. Trong khi đó, với những người giàu có nhất, ngoài lương, họ còn có nguồn thu rất đa dạng từ việc cho thuê, cổ tức, tiền bản quyền, các khoản cho vay và lãi suất trái phiếu... Rõ ràng, ai cũng biết người giàu là những người luôn nghĩ ra được những cái mới và thường có con đường riêng trong giới kinh doanh.
Mọi người cho rằng bổ sung thêm những nguồn thu nhập mới là việc bất khả thi với những người thu nhập thấp hoặc thậm chí cả giới trung lưu, nhưng thực tế việc đó dễ hơn họ tưởng. Ví dụ, khá dễ để biến một thú vui trở thành một cuộc phiêu lưu kiếm tiền. Bạn có thể mua những món đồ giảm giá ở các kho hàng và bán lại chúng trên trang eBay có thể đem lại mức lợi nhuận trung bình 462%, theo trang Signs.com. Nếu bạn thích chơi guitar, vậy sao không cung cấp các bài dạy guitar?
Con đường để đa dạng hóa nguồn thu nhập và cải thiện tình hình tài chính của bạn luôn có sẵn, bạn chỉ cần chủ động nắm bắt cơ hội mà thôi.
Doanhnhansaigon/Bizlive
End of content
Không có tin nào tiếp theo