4 mã số thuế giết sản xuất inox trong nước
(dautu) Ngay sau khi cùng ký đơn kiến nghị gửi Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế về việc đề nghị chỉnh thuế suất nhập khẩu hàng thép không gỉ dạng thanh và que thống nhất ở mức 10%, ông Nguyễn Vĩnh Hà, Giám đốc Phụ trách đầu tư và thương mại Công ty Inox Hòa Bình cho biết, sự khác biệt về thuế suất cho cùng một loại sản phẩm đang tạo kẽ hở để các doanh nghiệp nhập khẩu cây đặc inox lách thuế.
“Có thể nhìn thấy rõ tình trạng này, khi các doanh nghiệp nhập khẩu lựa chọn mã số thuế cho hàng hóa của mình. Trước tháng 6/2012, thời điểm bắt đầu có sự thay đổi về thuế suất thuế nhập khẩu của mã số 7222 30.10 từ 0% lên 10%, các doanh nhập nhập khẩu cây inox đặc vẫn áp mã này cho hàng nhập khẩu của họ. Tuy nhiên, từ tháng 6/2012 đến nay, vẫn hàng hóa đó, nhưng các doanh nghiệp này đã lựa mã số khác (7222 20.10, 7222 19.00, 7222 30.90) để được hưởng mức thuế suất 0%”, ông Hà cung cấp thông tin.
Cũng cần phải nói rõ, cây đặc inox thành phẩm trong giao dịch thương mại quốc tế được viết là stainless steel bright round bar (hoặc stainless steel round bar). Mặt hàng này chủ yếu được các công ty thương mại nhập khẩu về bán trong nước.
Cả 2 loại này đều có chiều dài tiêu chuẩn thông thường là 6.000 mm và có mặt cắt ngang hình tròn. Tuy nhiên, căn cứ phương pháp gia công (cán nóng hoặc gia công kết thúc nguội) của hàng hoá và theo thông lệ quốc tế, Biểu thuế xuất nhập khẩu do Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính phát hành đã phân loại cây đặc inox với 4 mã số áp thuế là 7222 20.10; 7222.20.90; 7222 30.10 và 7222 30.90.
Trong tất cả các mã hàng trên, chỉ có mã 7222.30.10 có thuế suất thuế nhập khẩu là 10% với tên gọi là thép không gỉ dạng thanh và que được gia công tạo hình nguội hoặc gia công kết thúc nguội, có mặt cắt ngang hình tròn; các mã còn lại đều có thuế suất 0%.
“Chúng tôi cũng đã tìm hiểu và biết rằng, ở các quốc gia khác, mặc dù cũng áp dụng 4 mã số áp thuế, nhưng họ đều có chung một mức thuế suất thuế nhập khẩu. Đây là lý do mà các doanh nghiệp sản xuất inox kiến nghị áp dụng một mức thuế suất thuế nhập khẩu cho các mã này”, bà Nguyễn Thị Cao Liên, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Quang cho biết.
Với mức thuế suất đề nghị áp dụng là 10%, bà Liên cho rằng, hoàn toàn hợp lý khi mức thuế suất thuế nhập khẩu cây đặc inox dạng phôi thô, là nguyên vật liệu thô đầu vào của các nhà sản xuất, được nhập về làm nguyên liệu để sản xuất ra cây đặc inox thành phẩm, đang được quy định là 0%.
“Việc thay đổi thuế suất thuế nhập khẩu của mã hàng 7222 30.10 vào tháng 6 năm trước cũng là đề nghị của các doanh nghiệp trong ngành, khi đã bắt đầu sản xuất được sản phẩm này. Việc duy trì thuế suất thuế nhập khẩu cho phôi và thành phẩm bằng nhau đang khiến các doanh nghiệp sản xuất lao đao”, bà Liên nói.
Cũng là doanh nghiệp đứng đơn kiến nghị, Công ty TNHH một thành viên Thép không gỉ Long An cảm thấy bất an khi từ đầu năm tới nay, ngoài việc chịu áp lực của những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng do bị cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm cùng loại nhập khẩu.
Hiện tại, nếu áp đúng thuế suất là 10%, thì giá bán ra của hàng nhập khẩu thấp nhất là 41,5 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, do lách thuế, giá hàng nhập đang được bán tại thị trường Việt Nam là 37,5 triệu đồng/tấn, trong khi đó, giá xuất xưởng của các nhà sản xuất trong nước là khoảng 40 triệu đồng/tấn.
“Để duy trì sản xuất, giữ việc làm cho người lao động, chúng tôi đã phải hạ giá bán xuống dưới giá thành. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, doanh nghiệp không thể chịu đựng được”, ông Nguyễn Thế Hưng, đại diện Công ty TNHH một thành viên Thép không gỉ Long An nói và cho biết, chỉ tính tháng 5/2013, số hàng cây đặc inox thành phẩm nhập khẩu với mức thuế suất 0% là 25 tỷ đồng. Nếu áp đúng thuế 10%, thì ngân sách có thêm nguồn thu không nhỏ.
Cũng phải nói thêm, trong đơn kiến nghị, các doanh nghiệp cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát, phân biệt đánh thuế mặt hàng dây thép không gỉ.
“Chúng tôi phát hiện không ít doanh nghiệp cố tình trốn thuế mặt hàng này bằng cách khai sai mã số áp thuế. Trong tháng 5/2013, số hàng dây inox áp mã sai để trốn thuế mà chúng tôi tìm hiểu được cũng lên tới 8 tỷ đồng”, ông Hưng nói.
Khánh An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Thương lái gom hàng hoa phục vụ Tết
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024