Quốc tế

4 yếu tố khiến kinh tế thế giới mong manh

WB vừa công bố Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu, theo đó triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ cải thiện năm 2015, nhưng các xu hướng trái chiều sẽ gây rủi ro giảm tăng trưởng.

Đặc biệt, theo WB có bốn yếu tố khiến kinh tế thế giới vẫn mong manh trong thời gian tới. Yếu tố đầu tiên là thương mại toàn cầu đang yếu đi. Yếu tố thứ hai là khả năng biến động thị trường tài chính do lãi suất ở các nền kinh tế chủ đạo tăng ở các mốc thời gian không dự đoán được. Yếu tố thứ ba là mức độ giá dầu thấp gây áp lực đến cân đối tài chính ở các nước sản xuất dầu. Yếu tố thứ tư là nguy cơ suy thoái hoặc giảm phát kéo dài ở Khu vực Châu Âu hay Nhật Bản.

 

Kinh tế thế giới vẫn mong manh trong thời gian tới
 
Ông Kaushik Basu - chuyên gia Kinh tế Trưởng và Phó chủ tịch cao cấp WB cho rằng, đáng lo ngại là sự khôi phục kinh tế bị chững lại ở một số nền kinh tế thu nhập cao và thậm chí ở một số nước thu nhập thấp có lẽ là triệu chứng của tình trạng bất ổn cơ cấu sâu sắc hơn. Nhưng trong cái rủi vẫn có cái may. Giá dầu thấp hơn và theo dự tính tiếp tục giảm năm 2015, sẽ góp phần giảm lạm phát trên toàn thế giới và có lẽ sẽ kìm hãm hiện tượng tăng lãi suất đột biến ở các nước giàu. Điều này sẽ mở ra thời điểm cơ hội cho các nước nhập khẩu dầu, như Trung Quốc và Ấn Độ. "Chúng tôi cho rằng đến năm 2016, mức tăng trưởng của Ấn Độ sẽ lên đến 7%" - ông Kaushik Basu nhận xét.
 
Dự báo năm 2015, dòng chảy thương mại vẫn không hoạt động hiệu quả. WB cho rằng suy thoái kinh tế một phần là do nhu cầu giảm và do độ nhạy của thương mại thế giới có vẻ không theo kịp những thay đổi của hoạt động toàn cầu. Thay đổi trong chuỗi giá trị toàn cầu và sự dịch chuyển của nhu cầu nhập khẩu có lẽ đã góp phần làm giảm độ nhạy của thương mại trước sự tăng trưởng.
 
WB cũng dự báo, giá cả hàng hóa theo dự đoán tăng không đáng kể trong năm 2015. Việc giá dầu giảm mạnh bất thường trong 6 tháng cuối năm 2014 có thể đã làm giảm đáng kể áp lực lạm phát và góp phần cải thiện cán cân tài khoản và tài chính hiện tại ở các nước đang phát triển XK dầu.
 
Trong số các nước lớn thuộc nhóm thu nhập trung bình hưởng lợi từ giá dầu thấp là Ấn Độ. Năm 2015, tăng trưởng của nước này dự tính lên đến 6,4% (từ mốc 5,6% năm 2014), tăng đến 7% giai đoạn 2016-2017. ở Brazil, Indonesia, Nam Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, sự sụt giảm giá dầu giúp giảm lạm phát và thâm hụt tài khoản vãng lai, một nguyên nhân chính của tình trạng dễ bị tổn thương ở nhiều nước trong nhóm thu nhập thấp.
 
Tuy nhiên, duy trì giá dầu thấp sẽ làm suy yếu hoạt động tại các nước xuất khẩu. Ví dụ, tăng trưởng kinh tế Nga được dự báo âm 2,9% năm 2015, và năm 2016 hầu như không tăng trưởng với mức tăng 0,1%.
 
Ngược lại với nhóm các nước thu nhập trung bình, nhăm 2014, hoạt động kinh tế ở nhóm các nước thu nhập thấp được đẩy mạnh do tăng đầu tư công, phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhiều thành tựu khả quan, và có dòng vốn đáng kể. Vào giai đoạn 2015-2017, tăng trưởng ở các nước có thu nhập thấp theo dự tính vẫn ở mức cao là 6% trong khi đó việc điều tiết giá dầu và các hàng hóa khác sẽ kìm hãm sự tăng trưởng ở các nước thu nhập thấp XK hàng hóa.
 
“Như vậy, rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu là rất lớn. Các nước có khung chính sách tương đối tin cậy hơn và có nhà nước theo hướng cải cách sẽ ở vị thế tốt hơn trong việc vượt qua thách thức của năm 2015”, báo cáo của WB nêu rõ.
 
 
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo