Môi trường

40 triệu m3 bùn bức tử Cát Bà

Nếu phương án đổ bùn ra biển được thực hiện thì khu dự trữ sinh quyển Cát Bà - nơi được mệnh danh là quần đảo vàng của Việt Nam đang chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, sẽ bị bức tử.

Hai phương án nạo vét khoảng 40 triệu m3 bùn đất (trong đó, 36 triệu m3 đất bùn trong luồng cảng và bốn triệu m3 bùn ở vùng nước trước bến) nằm trong dự án đầu tư xây dựng cảng Lạch Huyện đã được Ủy ban Nhân dân TP.Hải Phòng trình Thủ tướng vào cuối năm 2011.

 

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhà tư vấn JICA, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban Nhân dân TP.Hải Phòng lập thêm phương án "đổ bùn ra biển" để "đủ điều kiện thẩm định".



Đổ bùn... ra biển!



Ban đầu, hai phương án được Ủy ban Nhân dân TP.Hải Phòng và Bộ Giao thông Vận tải thống nhất đề xuất để Thủ tướng Chính phủ quyết định xử lý 40 triệu mét khối bùn nạo vét được là đổ ở khu vực sau đê chắn sóng của hai bến khởi động tại khu vực nam Cát Hải hoặc tại khu công nghiệp Nam Đình Vũ.



Theo Ủy ban Nhân dân TP.Hải Phòng, ưu điểm của phương án một là tận dụng số bùn nạo vét được để tạo mặt bằng với diện tích 700 - 1.000ha để phát triển các dịch vụ hậu cảng, mang lại lợi ích kinh tế lớn.

 

Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân TP.Hải Phòng thống nhất coi đây là tài nguyên để mở rộng diện tích khu vực cảng biển, tiết kiệm được khoản kinh phí tương đối lớn để tôn tạo mặt bằng.

 

Tuy nhiên, theo phương án này, nếu đổ ra khu vực sau đê chắn sóng của hai bến khởi động thì sẽ phải xây dựng gần tám km đê bao với kinh phí khoảng 700 tỉ đồng là quá lớn. Mặt khác thời gian chuẩn bị cho việc đầu tư, đấu thầu lựa chọn tư vấn nghiên cứu, khảo sát, lập dự án... cho hạng mục sẽ kéo dài, khó có thể đảm bảo tiến độ triển khai.



Trong khi đó, phương án đổ bùn tại khu công nghiệp Nam Đình Vũ được Ủy ban Nhân dân TP.Hải Phòng đánh giá có nhiều điểm tối ưu hơn vì đã có sẵn dự án làm đê biển.

 

Hiện khu công nghiệp Nam Đình Vũ đã được ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phê duyệt dự án đầu tư tuyến đê biển Nam Đình Vũ với tổng chiều dài khoảng 14,9km và tổng mức đầu tư hơn 998 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước, hiện đã giải ngân 25,8 tỉ đồng.

 

Ủy ban Nhân dân TP.Hải Phòng và cả Bộ Giao thông Vận tải cũng đánh giá phương án đổ bùn vào khu công nghiệp Nam Đình Vũ sẽ tiết kiệm thời gian hơn so với phương án một.



Ngay sau khi Ủy ban Nhân dân TP.Hải Phòng trình Thủ tướng Chính phủ hai phương án đổ bùn (2/12/2011), Thủ tướng đã có ý kiến chi đạo Bộ Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với Ủy ban Nhân dân TP.Hải Phòng để xác định rõ khối lượng, kinh phí đổ bùn vào khu công nghiệp Nam Đình Vũ.



Dự án Đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện) sử dụng nguồn vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Hiệp định vay vốn được hai chính phủ ký kết vào ngày 2/11/2011. Dự án gồm hai hợp phần, trong đó: Hợp phần A xây dựng cơ sở hạ tầng (luồng tàu, vũng quay tàu nạo vét, đê chắn sóng, đê chắn cát...). Chủ đầu tư là Cục Hàng hải Việt Nam. Hợp phần B: xây dựng hai bến container. Dự án có tổng kinh phí 18.627 tỉ đồng. Dự kiến đi vào hoạt động vào đầu năm 2016 với năng lực bốc dỡ 6 triệu tấn/năm.

 

Tuy nhiên, trong công văn hỏa tốc gửi Ủy ban Nhân dân TP.Hải Phòng ngày 3/4/2012, Bộ Giao thông Vận tải "đột nhiên" đề nghị Ủy ban Nhân dân TP.Hải Phòng lập thêm phương án "đổ bùn ra biển" để có cơ sở cho Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định đánh giá tác động môi trường!



Đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về phương án đổ bùn ra biển được dựa trên những nghiên cứu của nhà tư vấn JICA. Theo đó, phương án vị trí đổ đất nạo vét ngoài biển, cách luồng khoảng 16km.

 

Theo tính toán của JICA, phương án đổ bùn ra biển có ưu điểm là cự ly từ điểm hút đến vị trí xả bùn chỉ 16km (về phía nam Cát Bà), luồng đường thông thoáng, chỉ phải chi phí cho nạo hút bùn, không phải xây dựng đê bao, đào hố trung chuyển, không phải nạo vét luồng công vụ, tiết kiệm chi phí, thời gian thi công chỉ mất 41 tháng...



“Bức tử” khu dự trữ sinh quyển Cát Bà?



Theo đánh giá của các nhà khoa học, dù theo phương án nào để nạo vét và đổ 40 triệu m3 bùn tại cảng Lạch Huyện cũng cần tính toán kỹ lưỡng ba vấn đề: Tiết kiệm kinh phí, không uy hiếp về môi trường đối với những vùng xung quanh (đặc biệt là "quần đảo vàng" Cát Bà) và đạt tiến độ nhanh nhất.



Tính toán của các nhà khoa học cũng cho thấy, nếu nạo vết hết 40 triệu m3 bùn sẽ tôn tạo được khoảng 500 - 1.000ha tương đương một quận hay huyện của TP.Hải Phòng. Khối lượng bùn này có thể tận dựng để đáp ứng việc san lấp mặt bằng cho khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với nhu cầu 600 triệu m3 vật liệu san lấp. Vì vậy, nếu đổ ra biển thì sẽ lãng phí rất lớn đó là chưa kể đến những vấn đề khác.



Vẫn theo các nhà khoa học, trong phương án đổ bùn ra biển của JICA chưa tính toán kỹ những tác động môi trường cực xấu đến những vùng biển xung quanh như Đồ Sơn, Cát Bà và Vịnh Hạ Long.

 

Đa số những nhà chuyên môn cho rằng: nếu phương án đổ bùn ra biển được thực hiện thì khu dự trữ sinh quyển Cát Bà- nơi được mệnh danh là "quần đảo vàng của Việt Nam" đang chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, sẽ bị bức tử.



Ngoài ra phương án này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chế độ dòng chảy, chế độ sóng và làm thay đổi thủy triều của cả khu vực Hải Phòng.

 

Theo ĐV

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo