5 điểm nhấn của thị trường bất động sản TP.HCM đầu năm 2018
Theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), thị trường bất động sản tại TP.HCM trong năm 5 tháng đầu năm 2018 đã có những biểu hiện sụt giảm so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, tổng số dự án đủ điều kiện huy động vốn đưa ra thị trường là 29 dự án giảm so với 32 dự án cùng kỳ năm 2017.
Nguồn cung căn hộ giảm gần một nửa
Tổng số nhà đưa ra thị trường 5 tháng qua là 9.174 căn (gồm có 8.690 căn hộ chung cư và 484 căn nhà thấp tầng), giảm 44,5% so với 16.506 căn cùng kỳ năm 2017. Phân khúc căn hộ cao cấp chiếm 3.828 căn, giảm 25,9% so với 5.164 căn cùng kỳ năm 2017. Phân khúc căn hộ trung cấp cũng giảm đến 32,6%, gồm 3.465 căn.
Giảm mạnh nhất là phân khúc bình dân, chỉ có 1.881 căn hộ bán ra thị trường. So với con số 6.206 căn cùng kỳ năm 2017, mức bán ra ở phân khúc bình dân giảm 69,7%.
Tỷ lệ căn hộ bình dân trong lượng nhà bán ra chỉ chiếm 20,5%, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2017 (chiếm 37,6%).
Sốt đất nền lan rộng
Cơn sốt ảo giá đất nền phân lô, tách thửa hợp pháp, kể cả phân lô đất nông nghiệp trái phép xảy ra tại một số quận ven và huyện ngoại thành đã quay trở lại từ cuối năm 2017 lên đến đỉnh điểm vào tháng 5/2018, với tâm điểm là tại quận 9. Tuy nhiên, HoREA cho rằng cơn sốt này chỉ xảy ra cục bộ ở phân khúc đất nền phân lô, còn phân khúc căn hộ chung cư vẫn diễn ra bình thường, không có hiện tượng sốt giá.
Hiện nay, cơn sốt đất nền đã bắt đầu giảm nhiệt và được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Thảm họa Carina Plaza
Vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra tại chung cư Carina Plaza (quận 8) cướp đi sinh mạng của 13 cư dân là nỗi ám ảnh của thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2018.
Sau vụ cháy, Bộ Công an, Bộ Xây dựng và các sở, ngành đã vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh công tác PCCC tại các chung cư, nhà cao tầng. Cộng đồng dân cư cũng đã đặc biệt quan tâm hơn đến công tác đảm bảo an toàn chung cư.
Các chủ đầu tư dự án căn hộ chung cư cũng quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn PCCC, và đã chủ động giảm giá bán căn hộ chung cư khoảng trên dưới 5% để thu hút khách hàng.
Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn 7 chung cư chưa có hệ thống PCCC (trong số 12 chung cư đã kiểm tra năm 2016).
Sai phạm trong chuyển nhượng đất công
Những sai phạm về việc chuyển nhượng đất công tại TP.HCM là câu chuyện bàn tán sôi nổi suốt thời gian vừa qua.
Vụ Công ty Tân Thuận chuyển nhượng hơn 32 ha đất tại dự án Phước Kiển (Nhà Bè) cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai, hay vụ bán rẻ khu đất vàng 8 - 12 Lê Duẩn (quận 1) với giá chỉ hơn 700 tỷ đồng (giá thị trường khoảng 2.000 tỷ đồng) là những ví dụ điển hình.
Theo HoREA, những dự án có có nguồn gốc sử dụng đất từ nguồn đất công được giao cho chủ đầu tư không qua đấu giá, đấu thầu. Đây là nhân tố tác động đến tính minh bạch của thị trường.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu Trung tâm dịch vụ đấu giá thành phố tổ chức đấu giá công khai. Trong hơn 5 tháng đầu năm 2018, TP.HCM đã đấu giá 19 lô đất (gồm 584 nền) với giá khởi điểm 1.351,3 tỷ đồng, giá trúng đấu giá 2.062,5 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với giá khởi điểm đấu giá.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ đấu giá 9 lô đất (7,8 ha) tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự án Sài Gòn One Tower (tài sản đảm bảo nợ xấu được VAMC xử lý) và nhiều khu đất công khác.
Tiếp tục nóng tranh chấp chung cư
Trong tổng số khoảng 1.000 chung cư trên địa bàn thành phố có khoảng 100 chung cư đang có tranh chấp. Có 34 vụ tranh chấp đang được Sở Xây dựng kiểm tra, xử lý, trong đó, có những vụ tranh chấp gay gắt, kéo dài như tại Chung cư Khang Gia (quận Tân Phú), Chung cư 584 (quận Tân Phú), Chung cư Bảy Hiền (quận Tân Bình)...
Nội dung tranh chấp chủ yếu xoay quanh các vấn đề như: Thành lập ban quản trị chung cư; bàn giao và quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư; chất lượng xây dựng chung cư; tranh chấp phần sở hữu chung - sở hữu riêng, chỗ để xe; chậm bàn giao căn hộ; chậm làm "sổ đỏ" cho người mua căn hộ
End of content
Không có tin nào tiếp theo