5 người nhập viện vì nấm rừng
Sáng 9/3, Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai vừa tiếp nhận 5 bệnh nhân bị ngộ độc nấm tán trắng được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên.
Rạng sáng 9/3, sau khi ăn bữa tối, 5 người của 3 gia đình gồm: Lý Thị Thơm (30 tuổi); Lý Thị Thùy (14 tuổi); Lý Minh Khôi (13 tuổi) và ông Triệu Nho Phí (56 tuổi); bà Vũ Thị Hồi (58 tuổi) ở xã Liên Minh, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên đã nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Võ Nhai do nghi bị ngộ độc thực phẩm.
Trước đó, ngày 8/3, hai mẹ con chị Thơm và cháu Thùy lên núi hái được 1,5 kg nấm và rẽ vào chòi của vợ chồng bà Hồi để nấu ăn. Sau khi ăn khoảng 6 tiếng sau tất cả bị đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy. Các nạn nhân đã được đưa đến Trung tâm y tế Võ Nhai, rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Nguyên nhưng do bệnh nặng nên các bệnh nhân được chuyển lên Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai.
Bác sỹ Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, huyết áp tụt và có các dấu hiệu nhiễm độc gan cấp. Bệnh nhân bị nặng nhất là bà Vũ Thị Hồi do ăn nhiều nấm. Hiện bà Hồi đang được điều trị tích cực nhưng tiên lượng rất xấu. 4 bệnh nhân còn lại vẫn chưa thoát khỏi nguy hiểm vì men gan của các bệnh nhân đang cao gấp 4-5 lần người bình thường và tiếp tục tăng.
Các bác sĩ cảnh báo, ngộ độc nấm thường xảy ra vào mùa xuân, từ tháng 2 đến tháng 4 do đây là thời gian sinh sôi của các loại nấm, nhất là nấm mọc hoang dại. Nhiều người cho rằng, những loại nấm xanh đen hoặc nấm có hình thức bắt mắt mới gây độc nhưng thực tế nấm có màu trắng cũng rất độc. Dấu hiệu ngộ độc thường xuất hiện sau khi ăn nấm 20-30 phút. Nếu triệu chứng xuất hiện càng chậm thì mức độ ngộ độc càng nặng. Nạn nhân thấy nôn nao, khó chịu, có khi đau bụng dữ dội hoặc nôn ra máu, đi ngoài nhiều lần, người mệt nhừ, lạnh toát, có khi nổi mẩn đỏ, trường hợp nặng có thể co giật, hôn mê./.
Theo VOV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo