Xã hội

5 sự kiện cần có để Biển Đông bình yên trở lại?

Tình hình ở Biển Đông đang ‘dậy sóng’ khi Trung Quốc hành xử hung hăng với các nước láng giềng, đặc biệt là Philippines và Việt Nam. Vậy Biển Đông đang cần gì để bình yên trở lại?

Theo Thời báo phố Wall (WSJ), mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đang ở mức rất căng thẳng khi Bắc Kinh khăng khăng từ chối tham gia vào tiến trình trọng tài quốc tế nhằm giải quyết những tranh chấp với Manila. Trong khi đó, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng đang bị đe dọa khi Trung Quốc ngang nhiên đưa trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo WSJ, tình hình trên có thể thay đổi khi có những sự kiện sau:
 
1. Trung Quốc rút giàn khoan
 
Theo WSJ, khi bất chấp luật pháp của Việt Nam và quốc tế để triển khai giàn khoan dầu khí vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc biết sẽ phải hứng chịu phản ứng của Việt Nam và quốc tế. Do vậy, nước này đã tự ‘bảo hiểm’ cho hành động trên của mình bằng tuyên bố sẽ rút giàn khoan vào ngày 15/8.
 
Một tàu cảnh sát biển của Trung Quốc đang cố chặn một tàu Philippines ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông hôm 29/3/2014. Ảnh: AP.
 
WSJ cho rằng, với tuyên bố đó, Trung Quốc sẽ có đường rút lui mà không bị tiếng là do áp lực từ phía Việt Nam.
 
Nhưng liệu Trung Quốc có rút khi tại thời điểm hiện tại, nước này vẫn còn đang hành động rất ngang ngược và thô bạo với tàu chấp pháp của Việt Nam ở gần vị trí giàn khoan?
 
2. Kết quả vụ Philippines kiện Trung Quốc
 
Theo WSJ, Trung Quốc vẫn khăng khăng từ chối giải quyết tranh chấp thông qua tiến trình pháp lý. Điều này có nghĩa là rất có khả năng Trung Quốc sẽ phớt lờ thời hạn chót vào ngày 15/12 mà Tòa Trọng tài Quốc tế tại La Haye (Hà Lan) đưa ra, yêu cầu Trung Quốc phải nộp những lập luận và bằng chứng phản biện lại  những cáo buộc từ phía Philippines.
 
Nếu hạn chót qua đi mà Trung Quốc không đáp ứng, Tòa án Quốc tế có thể sẽ nhanh chóng giải quyết vụ kiện vào đầu năm 2015. WSJ cho rằng, phán quyết có nhiều khả năng sẽ nghiêng về phía Manila.
 
Theo WSJ, phán quyết cho rằng những tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý dù không thể thay đổi được hành động của Trung Quốc hiện nay nhưng cũng sẽ khiến cho nước này không còn dễ dàng vu khống các nước láng giềng hay dễ dàng tự cho mình tuân thủ luật pháp quốc tế được nữa.
 
3. Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)
 
Vòng đàm phán mới nhất về COC diễn ra hồi tháng 3 không có kết quả gì đáng kể. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, chính phủ của nhiều nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), gần đây nhất là Thủ tướng Najib Razak của Malaysia, đã lên tiếng đề nghị thúc đẩy đàm phán để đạt được thỏa thuận COC trong thời gian sớm nhất có thể.
 
Giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc đang được triển khai trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
 
Theo WSJ, nhiều nước Đông Nam Á đang nghi ngờ sự chân thành của Trung Quốc khi nhiều lần tuyên bố sẽ kí một bộ quy tắc cấm một số hành vi nhất định ở những khu vực đang có tranh chấp. Vì nếu thực sự muốn làm như vậy, Trung Quốc đã không đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như hiện nay.
 
4. Phản ứng của quốc tế
 
WSJ cho rằng, những hành động hiếu chiến ngày một gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông đang trở thành chủ đề thảo luận chính tại các hội nghị lớn trong khu vực và trên thế giới. Mới nhất là Đối thoại Shangrila-13 tại Singapore và Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7.
 
Tại Đối thoại Shangri-La, cả Nhật Bản và Mỹ đều có những lời lẽ rất cứng rắn nhằm vào Trung Quốc. Tuyên bố chung của nhóm G7 cũng lên tiếng phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm khẳng định lãnh thổ hay tuyên bố chủ quyền hàng hải thông qua hăm dọa, ép buộc hay sử dụng vũ lực.
 
Dù Trung Quốc không chịu thừa nhận những sai trái của mình và tức tối đáp trả lại những tuyên bố trên, nhưng Trung Quốc đã tự làm tổn thương nghiêm trọng đến hình ảnh của mình trên thế giới.
 
5. Trung Quốc dừng hung hăng để tránh xảy ra những sai lầm nghiêm trọng
 
Việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam gần khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương- 981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một hành động vô cùng nghiêm trọng.
 
Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục hung hăng với các nước láng giềng thì sẽ rất dễ xảy ra những sai lầm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn cho an ninh khu vực.
 
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Wall Street Journal (WSJ) là một nhật báo có ảnh hưởng lớn trên thế giới, xuất bản tại Thành phố New York, tiểu bang New York , Mỹ với lượng phát hành rất lớn trên toàn thế giới.
Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo