Thị trường

6 tháng, cho vay ngoại tệ giảm 14,9%

Trong khi cho vay tiền đồng trong hệ thống ngân hàng tăng thì cho vay bằng ngoại tệ, chủ yếu là đô la Mỹ, lại giảm khá mạnh. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, cho vay bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn có mức giảm đến 14,9% trong sáu tháng đầu năm.

(TBKTSG) Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến cuối tháng 5-2013, tín dụng tiền đồng của cả hệ thống tăng 5,48% trong khi tín dụng bằng ngoại tệ lại giảm đến 8,41%.

Theo các ngân hàng, nguyên nhân là do quy định mới về cho vay ngoại tệ của NHNN vừa có hiệu lực từ đầu năm nay, đồng thời lãi suất tiền đồng giảm mạnh trong thời gian gần đây cũng khiến nhiều doanh nghiệp thích vay tiền đồng hơn.

Theo thông tư 37/2012/TT-NHNN áp dụng từ đầu tháng 1-2013, chỉ có các doanh nghiệp có nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh bằng ngoại tệ thì mới được vay ngoại tệ tại các ngân hàng, trừ các doanh nghiệp vay nhập khẩu xăng dầu.

Ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á, cho rằng thông tư trên đã loại bỏ đối tượng doanh nghiệp nhập khẩu ra khỏi danh sách các đối tượng được vay ngoại tệ. Hiện nay, các doanh nghiệp này phải vay tiền đồng sau đó mua đô la Mỹ để nhập khẩu hàng hóa.

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp nhập khẩu có hoạt động kinh doanh tốt, vay tiền đồng hay đô la Mỹ vào thời điểm này cũng không quá khác biệt vì lãi suất vay hai loại tương đương nhau. Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt, cho biết: Năm ngoái vay đô la Mỹ tốt hơn vì lãi suất tiền đồng quá cao trong khi tỷ giá thì ổn định cả năm, còn năm nay thì như nhau. Hiện tại công ty ông đang vay tiền đồng ngắn hạn với lãi suất từ 5,5% đến 6%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay ngoại tệ tại các ngân hàng hiện dao động trong khoảng từ 4%-6%/năm, nếu xét cả rủi ro tỷ giá thì vay tiền đồng hay vay đô la Mỹ cũng như nhau.

Ông Tô Nghị, Phó tổng giám đốc Eximbank, cho rằng mấy tháng đầu năm tỷ giá cũng có phần hơi biến động nên nhiều doanh nghiệp không có nguồn thu ngoại tệ ổn định cũng không mặn mà vay đô la Mỹ.

Một lý do nữa được ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), đưa ra đó là nền kinh tế của các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như EU, Mỹ, đang gặp khó khăn trong những tháng đầu năm 2013, nên ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu. “Kinh doanh không tốt thì nhu cầu vay ngoại tệ cũng sẽ giảm”, ông Linh nói và cho biết hiện kinh tế Mỹ đang hồi phục, hy vọng tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu sáu tháng cuối năm tốt hơn.

Trong khi đó, huy động vốn bằng ngoại tệ tại các ngân hàng cũng giảm nhẹ. Theo lý giải của các ngân hàng là do lãi suất huy động ngoại tệ đã xuống thấp, không còn hấp dẫn nên một số người giữ đô la Mỹ đã chuyển sang giữ tiền đồng hay các tài sản khác. NHNN chi nhánh TPHCM cho biết huy động ngoại tệ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn cuối tháng 6-2013 giảm 5,3% so với cuối năm 2012. Trong khi trên cả nước, đến cuối tháng 5-2013, huy động vốn bằng ngoại tệ (tính luôn cả vàng) chỉ tăng 0,84% so với mức tăng 7,55% của huy động tiền đồng. NHNN cho rằng diễn biến này phù hợp với chủ trương chống đô la hóa của NHNN.

 

 

Thủy Triều

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo