6 tháng, phát hiện hơn 6.000 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường
(dddn) Trong đó, tổ chức đấu tranh, triệt phá 39 chuyên án, chuyển cơ quan điều tra khởi tố 86 vụ, 172 đối tượng, phạt hành chính trên 71 tỉ đồng. Riêng ngành tài nguyên và môi trường đã xử phạt trên 8,1 tỉ đồng vi phạm về môi trường, kiến nghị truy thu trên 545 triệu đồng.
Cụ thể, gần đây nhất, vào ngày 10/7, đoàn thanh tra môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra đột xuất và bắt quả tang Công ty cổ phần giấy An Hòa (đóng trên địa bàn huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) đã xả ra sông Lô một khối lượng nước thải khoảng 5.500m3/ngày đêm chưa qua xử lý. Trước đó, công ty này cũng bị Cảnh sát Môi trường phạt 225 triệu đồng do có hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường.
Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Đắk Nông) cũng ra quyết định xử phạt đối với nhà máy sản xuất cồn công nghiệp thuộc Công ty TNHH Đại Việt đóng trên địa bàn, với số tiền 115 triệu đồng.
Theo lực lượng Cảnh sát Môi trường tỉnh Đắk Nông, nhà máy của Công ty TNHH Đại Việt đã xả thải gấp 10 lần tiêu chuẩn cho phép; tự ý thay đổi công trình xử lý môi trường so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được duyệt. Đây là lần thứ 3 trong năm 2013, DN này vi phạm bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường…
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang cũng vừa ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Bình Phú. Mặc dù, chưa đăng ký giấy phép kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh, chưa có hệ thống xử lý nước thải nhưng Công ty Bình Phú đã tập kết gần 1.000 tấn nguyên liệu là bã mía. Do không có kho bãi chứa an toàn, đảm bảo môi trường, khi bã mía gặp mưa liên tục nhiều ngày khiến nước rò rỉ ra bên ngoài gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân trong vùng và gây thiệt hại diện tích nuôi trồng thủy sản của nhiều hộ dân.
Đại diện ngành chức năng cho biết, tình trạng vi phạm môi trường ngày càng phổ biến, phức tạp và nghiêm trọng. Qua thực tiễn cho thấy, gia tăng vi phạm chủ yếu tập trung vào xử lý chất thải tại các khu công nghiệp, làng nghề, cơ sở kinh doanh. Trong lĩnh vực xử lý chất thải công nghiệp, phần lớn các DN đều không có hồ sơ, thủ tục BVMT, không thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Để hạn chế các hành vi vi phạm, theo các chuyên gia cần phải xây dựng quy chế xử phạt thật nặng mới sức đủ sức răn đe. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương soạn thảo nghị định mới. Theo đó, mức xử phạt cao nhất cho hành vi vi phạm môi trường được nâng lên 1 tỉ đồng (với cá nhân) và 2 tỉ đồng (đối với tổ chức). Trước mắt, để hạn chế các hành vi vi phạm Bộ đang tiếp tục thanh tra 81 cơ sở, KCN, CCN tại 5 tỉnh, thành phố.
Mai Chi
End of content
Không có tin nào tiếp theo