Thị trường

6 tháng, thu NSNN ước đạt gần 450 nghìn tỷ đồng

(DNVN) - Bộ Tài chính cho biết, dự toán thu NSNN cả năm 2015 là 911,1 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu 6 tháng ước đạt 446,12 nghìn tỷ đồng, bằng 49% dự toán, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong đó, thu nội địa ước đạt 328,18 nghìn tỷ đồng, bằng 51,4% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2014, nếu không kể tiền sử dụng đất thì tăng 13,2%, đạt khá so với cùng kỳ một số năm gần đây. 
Trong đó, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ; doanh nghiệp thành lập mới tăng khá cả về lượng và vốn đăng ký; tiêu dùng xã hội tăng; thị trường bất động sản phục hồi tích cực;... góp phần tăng nguồn thu cho NSNN.
Đồng thời, cơ quan Thuế đã triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý thu; đẩy mạnh việc chống thất thu thông qua công tác thanh tra, kiểm tra.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, 6 tháng đầu năm, cơ quan Thuế đã thanh tra, kiểm tra trên 29.000 doanh nghiệp, bằng 101,6% so với cùng kỳ năm 2014; số thuế xử lý tăng thu qua thanh tra, kiểm tra trên 4,5 nghìn tỷ đồng, đã nộp NSNN trên 1,1 nghìn tỷ đồng; giảm khấu trừ và giảm lỗ trên 8,3 nghìn tỷ đồng.
Công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại; tăng cường xử lý nợ đọng thuế cũng được đẩy mạnh. Tính đến 31/5/2015, cơ quan Thuế đã thu được 18,9 nghìn tỷ đồng số nợ thuế tại thời điểm 31/12/2014.
Bộ Tài chính cho biết, ước tính đã có 52/63 địa phương thu đảm bảo tiến độ dự toán (từ 50% dự toán trở lên). Tuy nhiên cũng còn một số địa phương thu đạt thấp. So cùng kỳ năm 2014, có 57/63 địa phương thu cao hơn, 6 địa phương thu thấp hơn.
Do giá dầu sụt giảm mạnh với mức giảm bình quân 6 tháng là 40 USD/thùng so giá tính dự toán, khiến thu ngân sách từ dầu thô 6 tháng qua chỉ đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, bằng 38,6% dự toán, giảm 34,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Cùng với đó, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đến nay cũng chưa đảm bảo được tiến độ dự toán, do XNK có sự gia tăng đáng kể về kim ngạch nhập khẩu, nhưng chủ yếu tập trung vào nhóm hàng đầu vào của sản xuất có thuế suất thấp (linh kiện điện thoại, nguyên vật liệu dệt may, da giày...); kết hợp với sự giảm giá của mặt hàng xăng dầu nhập khẩu.
Theo đó, thu ngân sách từ hoạt động này trong 6 tháng đạt 125,5 nghìn tỷ đồng, bằng 48,3% dự toán, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2014. Sau khi thực hiện hoàn thuế GTGT theo chế độ 45 nghìn tỷ đồng; thu cân đối từ hoạt động XNK ước đạt 80,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46% dự toán.
Cũng theo Bộ Tài chính, dự toán chi NSNN cả năm 2015 là 1.147,1 nghìn tỷ đồng, lũy kế chi 6 tháng đạt 545,18 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán, tăng 8,2% so cùng kỳ năm 2014. Bội chi NSNN 6 tháng ước 99 nghìn tỷ đồng bằng 43,8% dự toán.
Về huy động vốn:Tính đến ngày 24/6/2015, đã phát hành gần 100 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi NSNN và cho ĐTPT, bằng khoảng 36,8% kế hoạch; Thanh toán gốc, lãi trái phiếu được thực hiện đầy đủ, đúng hạn.
Đối với công tác quản lý giá:Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước đối với giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu như: điện, than, xăng dầu, sữa, dịch vụ công theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. Giám sát kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng BOG, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá.Chỉ số giá tháng 6 tăng 0,55% so với tháng 12/2014, thấp hơn cùng kỳ của nhiều năm trước.
Về công tác đảm bảo ASXH:Đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi theo dự toán đúng chế độ quy định. Xác định và bố trí đủ nhu cầu kinh phí hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách do giá điện tăng thêm (khoảng 200 tỷ đồng). Bên cạnh đó, đã xuất cấp gần 58.434 tấn gạo DTQG để cứu trợ cho nhân dân ở những vùng bị thiếu đói, giáp hạt và hỗ trợ cho học sinh vùng khó khăn.
Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước:Tăng cường cường kiểm tra, thanh tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước đối với DNNN; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước. Đồng thời, tích cực phối hợp, đôn đốc các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước khẩn trương triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc thoái vốn đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư) được thực hiện theo kế hoạch, lộ trình. Tuy bước đầu đã đạt được kết quả nhất định, song tiến độ thoái vốn và CPH vẫn chậm.
Công tác quản lý dự trữ quốc gia: 6 tháng đầu năm đã mua được 18.000 tấn thóc và 137.000 tấn gạo (kế hoạch mua cả năm 2015 là 80.000 tấn thóc, 170.000 tấn gạo). Công tác luân phiên đổi hàng, xuất bán hàng và mua, bán, vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn được thực hiện theo kế hoạch.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán, bảo hiểm và dịch vụ kế toán, kiểm toán cũng đã được củng cố và phát triển. Giá trị vốn hóa TTCK 6 tháng đầu năm đạt gần 31,1% GDP (tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2014); Giá trị giao dịch tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2014; tổng giá trị huy động vốn qua TTCK đạt hơn 96 nghìn tỷ đồng, giảm 21% so với năm 2014 (trong đó, qua kênh TPCP đạt trên 82 nghìn tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2014).
Cũng theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2015, Thanh tra Bộ và các đơn vị thuộc Bộ đã triển khai thực hiện 31.465 cuộc thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực: quản lý, điều hành ngân sách; quản lý, sử dụng vốn đầu tư; quản lý tài chính doanh nghiệp, quản lý các nguồn kinh phí tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp; quản lý giá, thuế. Qua đó đã phát hiện, kiến nghị xử lý về tài chính trên 6,43 nghìn tỷ đồng; đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, góp phần tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị, cá nhân và doanh nghiệp.

Đỗ Thúy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo