Xã hội

60% dự án thủy điện chưa có giấy phép khai thác nguồn nước mặt

Qua kiểm tra tổng số 76 dự án thủy điện thì có tới 46 dự án vi phạm, chiếm tỷ lệ trên 60% chưa có giấy phép khai thác nguồn nước mặt theo quy định; 100% dự án chưa bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu hoặc duy trì dòng chảy tối thiểu chưa đạt yêu cầu theo quy định; 63/66 dự án chưa thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ theo quy định của luật năm 2012.

Đây là con số các công trình thủy điện vi phạm quy định cấp phép sử dụng tài nguyên nước và quy định bảo vệ tài nguyên nước được ông Lê Hữu Thuần, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước đưa ra trước cơ quan báo chí ngày 14/11.

Qua kiểm tra tổng số 76 dự án thủy điện thì có tới 46 dự án vi phạm. Ảnh: Minh họa

Trong 2 năm 2012 và 2013 Bộ TNMT đã giao cho Cục Tài nguyên nước trực tiếp thực hiện công tác thanh tra kiểm tra tình hình sử dụng tài nguyên nước để xem xét thực hiện theo đúng quy định.

Qua công tác thanh tra kiểm tra trong thời gian qua cho thấy xu hướng vi phạm của các tổ chức cá nhân có liên quan đến việc sai phạm trong công tác thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải có nhiều diễn biến phức tạp

Ông Lê Hữu Thuần, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết: “Đây là vấn đề mới nên ban đầu rất nhiều các tổ chức cá nhân khi khai thác sử dụng nước và xả nước thải đều không nghĩ rằng mình phải có giấy phép, đặc biệt là việc sử dụng nước mặt và xả nước thải. Còn đối với việc sử dụng nước ngầm thì đã được triển khai từ lâu nên việc thăm dò sử dụng nước ngầm ít vi phạm hơn.

Riêng đối với nước mặt, từ 2004 khi có nghị định quy định về việc cấp phép thăm dò, sử dụng tài nguyên nước, thực sự khi tuyên truyền phổ biến và kiểm tra tiến trình của những năm đầu hầu như các tổ chức cá nhân không biết về quy định khai thác nước mặt và các nguồn tài nguyên nước”.

Ông Thuần nêu thí dụ: Khi khai thác sử dụng nguồn nước thì phải có biện pháp giám sát, quan trắc việc sử dụng nước để kiểm soát thì trước đây hầu hết các chủ đầu tư tham gia khai thác nguồn nước đều không có, và cho đến hiện tại việc quan trắc cũng chưa được đầy đủ và chính xác.

Trong quá trình thực hiện có trường hợp phải thay đổi chủ đầu tư, chủ sở hữu việc cấp phép cũng phải thay đổi tuy nhiên các CĐT vẫn chưa nắm được vấn đề này. Các giếng khoán thường được các CĐT tự làm, chưa theo đúng quy trình, quy phạm pháp luật”, ông Thuần giải thích thêm

Tranh chấp tài nguyên nước tại các công trình thủy điện


Về việc tranh chấp tài nguyên nước trong thời gian vừa qua, đặc biệt khu vực miền Trung, Tây Nguyên diễn ra rất gay gắt. Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua cũng đã đưa ra một số vấn đề về rà soát quy hoạch các dự án thủy điện trên toàn quốc, trong đó nhấn mạnh đến những vùng có việc tranh chấp nguồn nước. Ví dụ như việc tranh chấp nguồn nước, chuyển nguồn nước từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn của công trình thủy điện Đăk Mi 4 hay việc chuyển nguồn nước của công trình An Khê - Kannăk, công trình thủy điện Thượng Kon Tum chuyển nước từ lưu vực sông Sesan sang sông Trà Khúc.

Đối với những vấn đề nóng về tranh chấp nguồn nước đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết: “Chúng tôi đều đã có những văn bản gửi Bộ TNMT, trình chính phủ và có những văn bản trả lời đại biểu Quốc hội. Chúng tôi đã đưa ra phương á rà soát quy hoạch những dự án thủy điện nhỏ hoạt động không có hiệu quả ảnh hưởng đến môi trường”.

Về công tác thanh tra, theo công bố của Cục Tài nguyên nước: Cục đã phối hợp với thanh tra Bộ tổ chức 7 đoàn thanh tra về tài nguyên nước của 76 dự án thủy điện trên 16 tỉnh trong đó có 13 dự án đang triển khai.

Kết quả thanh tra kiểm tra về tài nguyên nước đối với các công trình thủy điện, cho thấy chủ yếu các công trình thủy điện vi phạm về việc cấp nước ở hạ du và chuyển nước của các công trình thủy điện từ lưu vực sông này sang sông khác.

Việc thanh tra đối với việc chấp hành quy định của các dự án thủy điện cho thấy, hầu hết các dự án thủy điện được xây dựng theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên nhiều dự án nhất là các dự án nhỏ do chưa được đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng, triển khai xây dựng gặp khó khăn ảnh hưởng lớn đến nguồn nước, môi trường, hiệu quả thấp và phải điều chỉnh. Nhiều công trình thủy lợi đã hoạt động nhưng chưa có giấy phép theo quy định hoặc không đủ điều kiện để cấp phép. Trên tổng số đơn vị kiểm tra là 76 thì có tới 46 dự án vi phạm, chiếm tỷ lệ trên 60% chưa có giấy phép khai thác nguồn nước mặt theo quy định.

100% dự án chưa bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu hoặc duy trì dòng chảy tối thiểu chưa đạt yêu cầu theo quy định. 63/66 dự án, chiếm gần 90% chưa thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ theo quy định của luật năm 2012. Đặc biệt đối với nghị định 112 được chính phủ ban hành năm 2008 quy định về quản lý, bảo vệ các hồ chứa, thủy lợi, tài nguyên môi trường, các hồ chứa thủy điện.

Nhiều công trình đã và đang xây dựng, phần lớn là thủy điện nhỏ chưa không bố trí phương án công trình để xả nước về hạ du hoặc có bố trí nhưng mang tính hình thức, đối phó, không bảo đảm xả nước khi cần thiết. Qua chúng tôi thanh tra kiểm tra nhiều công trình chỉ có đường ống nhưng không có giọt nước nào chảy ra cả mà theo nguyên tắc là phải duy trì thường xuyên.

Đối với các công trình thủy điện phải vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chưa vận hành xả nước theo quy định. Có hồ có chức năng chống lũ, có hồ không có chức năng chống lũ gây ra những đợt lũ lớn và gây ra tình trạng thiếu nước ở hạ du.

Như Trâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo