Xã hội

600 doanh nghiệp vận tải lo phá sản vì điều chỉnh tuyến xe khách

Tại cuộc đối thoại với lãnh đạo thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc chuyển luồng tuyến, nhiều ý kiến bức xúc của doanh nghiệp đã được nêu ra.

Chiều 1/3, Bộ GTVT phối hợp với UBND TP. Hà Nội đối thoại với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải sau sự kiện sáng sớm ngày 28/2, có khoảng gần 100 xe chạy các tuyến Nam Định – Hà Nội, Thái Bình – Hà Nội phản đối lệnh điều chuyển tuyến vận tải của Sở GTVT Hà Nội.

Đến dự buổi đối thoại, ông Nguyễn Sơn La, Giám đốc Công ty TNHH Mạnh La chuyên tuyến Thái Bình – Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi đã thực hiện việc điều chuyển từ Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm theo chỉ đạo. Tuy nhiên, khi về Nước Ngầm thì xe không có khách dẫn đến việc doanh nghiệp lỗ vốn trong khi vẫn phải trả lương cho nhân viên”, theo tin tức trên báo Infonet.

Ngoài ra, ông La cũng nhấn mạnh: “Có bến xe dù ở Mỹ Đình thì các bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát không bao giờ có khách. Khi các cơ quan chức năng xây dựng chợ mới thì phải xóa bỏ chợ cóc thì người dân họ mới vào chợ mới xây khang trang.

Ông Nguyễn Sơn La phát biểu ý kiến. Ảnh: Infonet.

Nhưng đây, việc bến cóc, xe dù… mọc như nấm quanh bến xe Mỹ Đình thì làm sao các bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát có khách được. Chính vì vậy, hơn 600 doanh nghiệp vận tải như chúng tôi chắc chắn sẽ phá sản”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thạc, Giám đốc Công ty Vận tải Nam Trực, Chủ tịch Hiệp hội vận tải tỉnh Nam Định cho rằng: “Chủ trương điều chuyển để chống ùn tắc nhưng sau gần hai tháng điều chuyển thấy việc điều chuyển chưa hợp lý, gây khó khăn cho không chỉ doanh nghiệp mà cả người dân xung quan bến Mỹ Đình.

Đến lúc này, các doanh nghiệp đang lâm vào nguy cơ phá sản sau điều chuyển luồng tuyến. Trong khi đó, có nhiều loại xe trá hình tuyến Nam Định - Hà Nội "bùng phát". Đây là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp đình công trong ngày 28/2. Chúng tôi cũng đề nghị giữ đúng tuyến như trước đó đến năm 2020".

Tiếp đến là ông Trần Hữu Quảng, đại diện Công ty vận tải hành khách Hà Sơn Hải ở Thanh Hóa, đại diện nhà xe chạy tuyến Thanh Hóa - Mỹ Đình (Hà Nội) cho rằng: “Sở mới chỉ ra văn bản chỉ đạo chứ chưa kiểm tra thực tế hậu điều chuyển luồng tuyến. Chúng tôi đề nghị chỉ đạo các ngành kiểm tra, triệt phá xe dù bến cóc.

Đăng đàn để trả lời các ý kiến của DN, nhưng lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội sớm bị DN phản ứng. Bởi lẽ, đại diện các DN cho rằng cuộc đối thoại này chỉ dành cho họ và lãnh đạo thành phố và Bộ GTVT như văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo tin tức trên báo Tiền Phong.

 

Trật tự buổi đối thoại chỉ được lập lại khi chủ toạ là Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường mời Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng lên phát biểu. Ông Hùng cho rằng, việc DN muốn đưa xe trở lại bến Mỹ Đình là không thể vì đây là quy hoạch, hơn nữa phương án trên là sự phối hợp giữa thành phố với Bộ GTVT. 

Tuy nhiên, Sở GTVT Hà Nội vẫn tiếp thu ý kiến của DN và có báo cáo lên Thủ trướng Chính phủ trước ngày 10/3. Trong thời gian chờ Thủ tướng quyết định về nguyện vọng của DN, ông Hùng yêu cầu Công an thành phố xử lý dứt điểm xe dù, bến cóc hoạt động tại các bến xe. Công an Từ Liêm, Hoàng Mai có trách nhiệm rà soát, theo dõi, thống kê các tụ điểm trên, chủ động hoặc phối hợp xử lý. Cùng với xử phạt, những xe dù bị phát hiện, ông Hùng yêu cầu lực lượng chức năng phải giữ xe, đồng thời xử lý các chủ bến cóc. 

Nên đọc
Công Danh (tổng hợp theo báo Infonet, Tiền Phong)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo