Thị trường

63 tỉnh thành nợ 91.000 tỷ đồng vốn đầu tư

Các chuyên gia kinh tế lo ngại nhiều doanh nghiệp có nguy cơ chết hoặc chờ chết vì không thu được các món nợ từ các địa phương này.

Tại diễn đàn mùa thu ngày 28/9, ông Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội cho rằng, việc phân cấp quá triệt để về quy hoạch và cơ sở hạ tầng cho chính quyền địa phương đang khiến quy hoạch chung của cả nền kinh tế và vùng bị phá vỡ do xuất hiện những tư tưởng cục bộ và cạnh tranh không lành mạnh. Hội chứng này đã khiến cho cơ cấu kinh tế manh mún, thiếu hiệu quả, gây ra lãng phí.

 

Nguyên phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, vấn đề phân cấp đầu tư đã diễn ra trong nhiều năm, dẫn đến sự mập mờ trong xử lý quan hệ giữa đất dự án, đất theo quy hoạch; giữa đồng ý về mặt chủ trương với triển khai dự án theo chủ trương... Vì vậy đã dẫn đến tình trạng phần lớn đất nông nghiệp đang sản xuất chủ yếu là lúa, hoa màu bị thu hồi, ngay lập tức bị san lấp tràn lan và bỏ hoang trong thời gian dài.

 

Tình hình trên dẫn đến sự lãng phí rất lớn về đất đai, và nền kinh tế mất cả hai đầu: không chỉ nông nghiệp mà cả công nghiệp và dịch vụ cũng không tạo ra giá trị GDP.

 

Trên thực tế, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, nền kinh tế đã bắt đầu triển khai một số cải cách mạnh. Tháng 4 vừa qua, Quốc hội đã ra nghị quyết không cho phép mở thêm khu công nghiệp. Đây là nỗ lực nhằm chống lại việc mở rộng tràn lan các khu công nghiệp vừa lãng phí, vừa gây bức xúc lớn trong xã hội. Tuy nhiên, theo ông Thiên, những cải cách này quá ít ỏi và mang đậm dấu ấn tình thế.

 

Ngoài ra, ông Thiên cho rằng, tình trạng nợ nần của các địa phương cũng đáng báo động. Các báo cáo thẩm tra mới nhất của Ủy ban của Quốc hội cho thấy, tổng số nợ vốn đầu tư của 63 tỉnh thành là hơn 91.000 tỷ đồng. "Trong hoàn cảnh các doanh nghiệp vật lộn với khó khăn hiện nay, sẽ có bao nhiêu đơn vị đứng trước nguy cơ chết hoặc chờ chết vì không thu được các món nợ từ địa phương này", ông Kiên trăn trở.

 

Báo cáo cũng cho thấy, từ năm 2011 đến nay, Nhà nước đã thu hồi đất của 792 tổ chức với diện tích hơn 12.000 ha. Riêng 6 tháng đầu năm, hệ thống thanh tra phát hiện và kiến nghị xử lý thu hồi hơn 1.600 ha do sử dụng và quản lý không đúng quy định. Điều này cho thấy nguồn lực quốc gia đang bị chôn chết bởi các "ông chủ Nhà nước" nghiêm trọng đến mức nào.

 

Thế nhưng, theo ông Thiên, dù nghiêm trọng là vậy vẫn không thể chỉ ra ai chịu trách nhiệm cho sự lãng phí này. "Do đó, cải cách thể chế, thông qua việc giải quyết vấn đề đất đai, tức tạo ra thị trường đất đai cho những người chủ đích thực là một vấn đề cần quyết liệt triển khai", ông Thiên nói.

 

 

 

Theo VnExpress

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo