Xã hội

7 ngày Tết, 246 người chết do tai nạn giao thông

Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên Đán từ ngày 15/2 đến 21/02/2015 (tức từ ngày 27 Tết âm lịch đến mùng 3 Tết âm lịch) toàn quốc xảy ra 427 vụ tai nạn giao thông, làm chết 246 người, bị thương 415 người.

 Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, so với cùng kỳ 7 ngày đầu Nghỉ Tết Nguyên đán 2014, số vụ tai nạn giao thông năm nay giảm 32 vụ (-7,5%), tăng 32 người chết (+15%), giảm 66 người (-15,9%).

 
Lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ toàn quốc đã kiểm tra, xử lý gần 32.000  trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, thu nộp kho bạc Nhà nước khoảng 18,5 tỷ đồng; tạm giữ 223 xe ô tô, 7307 xe mô tô, tước 1286 giấy phép lái xe.
 
Một nạn nhân được sơ cứu trong vụ tai nạn giao thông ở Hà Tĩnh ngày 20/2 (tức mùng 2 Tết). Ảnh: VTC News
 
Trong ngày 21/2 (Mùng 3 Tết) xảy ra 87 vụ tai nạn, làm chết 47 người, bị thương 89 người so với cùng kỳ giảm 4 vụ, giảm 2 người chết, giảm 4 người bị thương. Lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 2573  trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, thu nộp kho bạc Nhà nước 762.235 triệu đồng; tạm giữ 21 xe ô tô, 963 xe mô tô, tước  57 giấy phép lái xe. Tình hình trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc thông suốt, an toàn, không xảy ra tai nạn giao thông; mật độ giao thông tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thấp; trong ngày không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
 
Cũng trong ngày mùng 3 Tết, đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhận được 15 cuộc gọi và tin nhắn phản ánh của người dân. Nội dung phản ánh xoay quanh vấn đề vận tải hành khách như tăng giá vé, nhồi nhét khách, ví dụ như xe một số tuyến huyện Thanh Hóa – Hà Nội, Phú Thọ - Hà Nội nhà xe thu phí gấp đôi so với giá niêm yết; tình trạng thu tiền trông giữ phương tiện quá cao tại các khu vực đền chùa, khu vực kinh doanh dịch vụ. Sau khi nhận được thông tin phản ánh trên đường dây nóng, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý triệt để theo nội dung các thông tin được phản ánh.
 
Trong những ngày qua đặc biệt là các ngày mùng 1, mùng 2 và mùng 3 tết là thời điểm người dân đi chúc tết, vui xuân. Chính vì vậy, mật độ giao thông tăng cao và tình hình vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông như uống rượu bia, không đội mũ bảo hiểm… tăng lên đáng kể. 
 
Tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và một số tỉnh thành do lưu lượng người tham gia giao thông tăng cao nên xảy ra ùn tắc cục bộ tại một số tuyến phố trọng điểm; tình trạng người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy ý thức kém, không đội mũ bảo hiểm, kẹp 3, kẹp 4, lạng lách đánh võng, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, không chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông diễn ra rất phổ biến.
 
Vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ xảy ra tại các tuyến đường xung quanh nhiều đền, chùa trên địa bàn thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên nhân là do mật độ người tham gia giao thông tập trung về khu vực này quá lớn, thêm vào đó tình trạng xe lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm bãi trông giữ xe diễn ra phổ biến, người dân dừng đỗ tìm chỗ gửi xe nên tình trạng giao thông tại các khu vực này càng thêm lộn xộn.
 
Đặc biệt, nếu như hàng năm vào dịp tết mật độ xe thường chỉ tăng cao trên các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ thì năm nay cả đường nông thôn cũng tăng đột biến, điển hình là ở các tỉnh Trà Vinh, Kon Tum. Nguyên nhân là do giao thông khu vực này phần lớn đã thông suốt, người sử dụng phương tiện né tránh lực lượng tuần tra, trong khi số ngày nghỉ sau tết lại ngắn hơn mọi năm nên mọi người tranh thủ đi chúc tết, vui xuân để kịp mùng 4 quay trở về thành phố./.
 
Hoàng Tuấn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo