7 nhóm nhiệm vụ Bộ trưởng Tài chính "hứa" trước Thủ tướng
Chiều 6/1, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị “Đánh giá công tác thực hiện nhiệm vụ tài chính - Ngân sách nhà nước năm 2016, triển khai nhiệm vụ tài chính - Ngân sách nhà nước năm 2017”. Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Chỉnh phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng...
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong năm 2016, toàn ngành Tài chính đã chủ động đề xuất, tập trung phấn đấu thực hiện nghiêm và đồng bộ các giải pháp tài chính - NSNN mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra; hoàn thành 100% chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ giao; chú trọng cải cách thủ tục hành chính, góp phần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ngành Tài chính cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu NSNN, điều hành chi NSNN triệt để tiết kiệm, hiệu quả, giữ bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội cho phép. Quản lý tích cực nợ công theo hướng từng bước cơ cấu lại, nâng cao tính bền vững. Công tác quản lý, điều hành giá đã góp phần tích cực thực hiện kiểm soát lạm phát. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện kịp thời, tạo niềm tin của xã hội vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ.
Mặc dù vậy, theo người đứng đầu Bộ Tài chính, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong điều hành, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, công tác xây dựng thể chế, chính sách đã có nhiều cố gắng, song vẫn còn một số trường hợp chưa đảm bảo tiến độ; Công tác quản lý thu NSNN ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa quyết liệt, chưa theo sát tình hình thực tiễn, diễn biến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; nợ đọng thuế có khả năng thu còn lớn.
Bên cạnh đó, công tác giải ngân vốn đầu tư phát triển còn chậm; Việc phân bổ, sử dụng vốn vay còn dàn trải, hiệu quả đầu tư một số chương trình, dự án thấp. Tình trạng chi sai quy định, vượt tiêu chuẩn định mức vẫn còn xảy ra ở một số đơn vị; Tiến độ tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn đầu tư còn chậm so với yêu cầu đề ra.
Bộ trưởng Tài chính cũng nhấn mạnh, bước sang năm 2017, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; kinh tế thế giới có thể tăng cao hơn năm 2016 nhưng vẫn phục hồi chậm, không đồng đều và còn nhiều rủi ro. Giá một số hàng hóa cơ bản và dầu thô vẫn ở mức thấp. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực diễn ra gay gắt.
Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp trong khi thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các Hiệp định FTA thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Nhu cầu tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia và ứng phó với biến đổi khí hậu rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn hẹp.
Trên cơ sở đó, trước Hội nghị và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Tài chính đã đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ trong thời gian tới của ngành Tài chính trên tinh thần chủ đề chỉ đạo, điều hành năm 2017 của Chính phủ là "tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững".
Thứ nhất, Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng thể chế nhằm đáp ứng được yêu cầu đề ra, đảm bảo số lượng, chất lượng, thời hạn; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính - NSNN. Trong đó, cần tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Ngân sách nhà nước năm 2015; các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, dự toán NSNN năm 2017, phân bổ NSTW năm 2017.
Thứ hai, Tổ chức điều hành dự toán NSNN năm 2017 tích cực, chủ động, chặt chẽ, tăng cường kỷ luật tài chính - n gân sách; kiên quyết cắt giảm những khoản chi không cần thiết, chậm triển khai; hạn chế chi chuyển nguồn; hạn chế ứng trước dự toán năm sau; giữ bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội đã quyết định; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để giảm bội chi NSNN.
Thứ ba, Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép. Không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát NSNN. Thực hiện đánh giá đầy đủ các yếu tố tác động lên nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn trước khi thực hiện các khoản vay mới. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng bền vững, tập trung phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài và giảm dần lãi suất phát hành Trái phiếu Chính phủ.
Thứ tư, đẩy mạnh tái cấu trúc DNNN, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển đồng bộ thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, bảo hiểm, hoạt động đặt cược, casino, trò chơi có thưởng. Đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công, giá dịch vụ công. Tập trung hoàn thiện, ban hành các danh mục sự nghiệp công sử dụng NSNN; quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các dịch vụ sự nghiệp công lập do Nhà nước quản lý.
Thứ năm, tăng cường công tác quản lý giá, thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, nhà nước còn định giá, bình ổn giá. Thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu không còn nhiều, đề nghị các đơn vị liên quan trong Bộ Tài chính cần chủ động phối hợp tốt với các Bộ, ngành, địa phương theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tình hình biến động giá cả, thị trường, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán.
Thứ sáu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để cải cách thủ tục hành chính đi vào thực tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người nộp thuế.
Thứ bảy, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính của ngành; kiểm tra nội bộ trong toàn ngành để đánh giá việc thực hiện quyền hạn, trách nhiệm trong thực thi công vụ, nhất là các nhiệm vụ liên quan đến quy trình, thủ tục, giải quyết hồ sơ hành chính đối với cá nhân, doanh nghiệp; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu đơn vị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định