Thị trường

7 tháng, xuất khẩu hàng nông sản giảm so với cùng kỳ

(DNVN) - Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 7 năm 2015 ước đạt 2,47 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 7 tháng đầu năm 2015 lên 16,93 tỷ USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 8,2 tỷ USD, giảm 5,7%, giảm rất mạnh ở các mặt hàng như cà phê (33,7%), cao su (9,2%) và gạo (8,3%); Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 3,53 tỷ USD, giảm 17%, giảm rất mạnh ở thị trường lớn nhất là Mỹ (27,71%); Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 3,88 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2014. 

Xuất khẩu mặt hàng cà phê giảm mạnh nhất trong 7 tháng đầu năm 2015.
Xuất khẩu mặt hàng cà phê giảm mạnh nhất trong 7 tháng đầu năm 2015.

Cụ thể, mặt hàng gạo xuất khẩu tháng 7 ước đạt 717.000  tấn với giá trị đạt 300 triệu USD đưa khối lượng xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2015 ước đạt 3,72 triệu tấn và 1,59 tỉ USD, giảm 3,1% về khối lượng và giảm 8,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2015 giảm 4,64% so với cùng kỳ năm 2014.

Xuất khẩu cà phê trong tháng 7 ước đạt 107.000 tấn với giá trị đạt 220 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 7 tháng đầu năm 2015 ước đạt 792.000 tấn với tổng giá trị 1,63 tỉ USD, giảm 33,9% về khối lượng và giảm 33,7% về giá trị so cùng kỳ năm 2014. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2015 tăng 0,97% so với năm 2014. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.

Ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 7 đạt 98.000 tấn với giá trị 146 triệu USD. Với ước tính này, 7 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu cao su đạt 519.000 tấn, giá trị đạt 760 triệu USD, tăng 13,6% về khối lượng nhưng giảm 9,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá cao su xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2015 đạt 1.457 USD/tấn, giảm 22,28% so với cùng kỳ năm 2014.

Khối lượng xuất khẩu chè tháng 7 năm 2015 ước đạt 11.000 tấn với giá trị đạt 21 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu chè 7 tháng đầu năm 2015 ước đạt 65.000 tấn với giá trị đạt 111 triệu USD, giảm 8,9% về khối lượng và giảm 5,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá chè xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2015 đạt 1.684 USD/tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2014. 

Khối lượng hạt điều xuất khẩu tháng 7 ước đạt 34.000 tấn với giá trị 259 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2015 đạt 184.000 tấn với 1,34 tỉ USD, tăng 11,8% về khối lượng và tăng 26,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

 

Khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 7 năm 2015 ước đạt 10.000 tấn, với giá trị đạt 104 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 7 tháng đầu năm 2015 lên 98.000 tấn với giá trị 920 triệu USD, giảm 20,6% về khối lượng nhưng tăng 1,9% về giá trị. 

Ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 7 năm 2015 đạt 530 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2015 đạt 3,7 tỉ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2014. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc – 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2015 – chiếm 66,33% tổng giá trị xuất khẩu. Các thị trường có giá trị tăng mạnh là Hong Kong (30,2%), Hoa Kỳ (18,8%), và Đức (12,9%).

 Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 7 năm 2015 ước đạt 532 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2015 đạt 3,53 tỉ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2014. Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 19,28% tổng giá trị xuất khẩu.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 579 triệu USD, giảm 27,71% so với cùng kỳ năm 2014. Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc cũng giảm đáng kể với mức giảm lần lượt là 10,36% và 7,39%. Xuất khẩu tăng trưởng đáng chú ý ở các thị trường như Thái Lan (tăng21,51%) và Anh (tăng 39,48%). 

Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 7 năm 2015 ước đạt 157.000 tấn, với giá trị đạt 65 triệu USD đưa tổng khối lượng xuất khẩu mặt hàng này 7 tháng đầu năm 2015 đạt 2,89 triệu tấn với giá trị 886 triệu USD, tăng 35,4% về khối lượng và tăng 30,9% về giá trị so cùng kỳ năm 2014. 

 

Trong 6 tháng đầu năm 2015, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính chiếm tới 89,36% thị phần, tăng 53,47% về khối lượng và tăng 46,15% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Thị phần của các thị trường chính khác đều nhỏ hơn 2%. Các thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất là Nhật Bản (hơn 10 lần) và Đài Loan (64%). 

Cũng theo Bộ NN&PTNT, trong khi kim ngạch xuất khẩu giảm thì giá trị nhập khẩu toàn ngành nông, lâm, thủy sản trong 7 tháng đầu năm 2015 ước đạt 13,34 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm cùng kỳ năm 2014. Trong đó, nhập khẩu một số mặt hàng chính đạt khoảng 10,12 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. 

LANH CHANH
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo