Chính trị

70 năm bản anh hùng ca mùa đông bất tử

Tầm vóc lớn lao và ý nghĩa sâu sắc của ngày Toàn quốc kháng chiến(19.12.1946 - 19.12.2016), sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc, đang soi rọi vào công cuộc đổi mới và hội nhập hôm nay.

Đây là thông điệp được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh tại Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến được tổ chức trọng thể sáng qua (18.12) tại Hà Nội với sự tham gia của khoảng 3.500 đại biểu.

Tham dự buổi lễ có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ VN, các lão thành cách mạng, mẹ VN anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân...

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham dự lễ kỷ niệm. Ảnh báo Thanh niên.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Hoàng Trung Hải nêu rõ ngày Toàn quốc kháng chiến là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc VN, gắn liền với chiến công oanh liệt của quân và dân Hà Nội những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong hai ngày 18 - 19.12.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ T.Ư Đảng họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) đã quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc, kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước đứng lên chống thực dân Pháp, bảo vệ độc lập dân tộc. Sáng 20.12.1946, tại Hang Trầm (H.Chương Mỹ), Đài tiếng nói VN đã phát đi “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Đáp lời hiệu triệu của Người, quân và dân Hà Nội đã mở đầu kháng chiến toàn quốc vào hồi 20 giờ 03 phút ngày 19.12.1946 bằng những loạt đại bác từ pháo đài Láng vào các mục tiêu trong TP, chính thức mở đầu cuộc kháng chiến với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Cùng với Hà Nội, quân và dân các địa phương khắp bắc, trung, nam, như: Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn…đã đồng loạt anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Cả dân tộc ta muôn người như một, chung sức đồng lòng, nhất tề đứng lên cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm với ý chí sục sôi, quyết tâm hy sinh và niềm tin tất thắng.

Từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”, qua 9 năm kháng chiến trường kỳ, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản VN và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lập nên nhiều kỳ tích, đã đánh bại chủ nghĩa thực dân kiểu cũ và đội quân viễn chinh Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Gèneve cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền của 3 nước VN, Lào, Campuchia. 

 

Thành công của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tạo tiền đề cho thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giành độc lập dân tộc, thống nhất hoàn toàn đất nước, kết thúc vẻ vang cuộc trường chinh 30 năm của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Theo Bí thư Hoàng Trung Hải, sau khi thống nhất, đất nước lại nỗ lực bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển. Sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. 

Đất nước đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. 

Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986 - 2016 đạt khá, khoảng 6,6%/năm, quy mô và tiềm lực của nền kinh tế không ngừng tăng lên; GDP tăng gấp gần 7 lần và kim ngạch xuất khẩu tăng gấp hơn 200 lần so với trước đổi mới. GDP bình quân đầu người năm 2016 đạt khoảng 2.200 USD... 

Chính trị - xã hội ổn định. Quốc phòng, an ninh được tăng cường. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ XHCN được giữ vững, vị thế và uy tín của VN trên trường quốc tế được nâng cao...

 

Theo ông Hoàng Trung Hải, tinh thần, khí phách “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân thủ đô Hà Nội trong 60 ngày đêm năm 1946 - 1947 mở đầu cho Toàn quốc kháng chiến đã đi vào lịch sử dân tộc VN như một bản anh hùng ca mùa đông bất tử. 

“Tầm vóc lớn lao và ý nghĩa sâu sắc của sự kiện lịch sử vĩ đại này đang soi rọi vào công cuộc đổi mới và hội nhập hôm nay”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến, sáng 18.12, Đoàn đại biểu BCH T.Ư Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ VN đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.

Dự lễ viếng có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân. Các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước...

TTXVN

 

Đại diện thế hệ trẻ của thủ đô phát biểu tại lễ kỷ niệm, PGS-TS Trần Xuân Bách (32 tuổi), giảng viên Đại học Y Hà Nội đã chia sẻ, với lớp người trẻ ngày Toàn quốc kháng chiến chỉ còn trong những thước phim, những trang sử, những lời kể lại nhưng sinh động và thiêng liêng.

”Lớp trẻ chúng tôi tự hào và biết ơn cha ông khi bình thản đi vào cuộc chiến đấu chống kẻ thù với lời thề son sắt. Bao chàng trai, cô gái đất Hà thành rất lãng mạn thanh lịch nhưng cũng đầy quả cảm, đã bước vào cuộc chiến với tinh thần của cả tuổi trẻ, của lý tưởng”, TS Bách nói.

Nên đọc
Theo báo Thanh niên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo