Xã hội

77 việc cấm lao động nữ, có khả thi?

Danh mục 77 việc làm cấm sử dụng lao động nữ với mục đích bảo vệ quyền lợi nữ giới nhưng khi áp dụng vào thực tế chưa thực sự hợp lý và khó khả thi. Danh mục này cũng sẽ khiến cho phụ nữ không chỉ ít cơ hội làm việc mà nhiều người có thể bị tái nghèo.

Theo các chuyên gia lao động, dù được cụ thể về 77 loại công việc cấm sử dụng lao động nữ, đặc biệt là người mang thai, đang nuôi con nhỏ, nhằm bảo vệ sức khỏe sinh sản... nhưng để đi vào cuộc sống, rất khó khả thi.

Cảnh báo này đã được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đưa ra khi Danh mục 77 ngành nghề cấm đối với lao động nữ ban hành kèm theo Thông tư 26 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/12/2013. Không phải đến Thông tư này, các cơ quan chức năng mới đưa ra các quy định cấm sử dụng lao động nữ.

Trước đó, các văn bản của liên ngành Lao động thương binh & xã hội và y tế cũng đã ban hành danh mục ngành nghề không sử dụng lao động nữ đang mang thai và nuôi con nhỏ. Đến Thông tư 26, danh sách được cụ thể hóa đến từng lĩnh vực. Điều này thể hiện mục đích bảo vệ đầy đủ quyền lợi của chị em, việc phân công lao động sẽ hợp lý hơn, phù hợp với đặc điểm giới tính, sức khỏe cũng như thiên chức của phụ nữ, đảm bảo chị em được làm việc trong môi trường không độc hại...

Tuy nhiên theo các chuyên gia lao động, dù được cụ thể về 77 loại công việc cấm sử dụng lao động nữ, đặc biệt là người mang thai, đang nuôi con nhỏ, nhằm bảo vệ sức khỏe sinh sản... nhưng để đi vào cuộc sống, rất khó khả thi.

Bà Nguyễn Kim Lan, chuyên gia về giới, Văn phòng ILO tại Việt Nam cho rằng, một mặt Thông tư này nhằm bảo vệ sức khỏe phụ nữ, nhưng mặt khác, văn bản này lại không bình đẳng với nam giới bởi nó không đề cập việc bảo vệ sức khỏe sinh sản của nam giới.

“Đã có bằng chứng cho thấy một bộ phận công nhân nam làm việc vất vả trong những ngành nghề nặng nhọc, độc hại, như tiếp xúc với hóa chất, đã bị ảnh hưởng về sức khỏe sinh sản, hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của con cái khi họ có con. Vấn đề chủ chốt ở đây là cách tiếp cận bình đẳng nhất là phải nâng cao vệ sinh an toàn lao động và điều kiện làm việc cho mọi người lao động (cả nữ và nam), và không nên cấm phụ nữ làm một số ngành nghề trừ khi những công việc đó có ảnh hưởng rõ ràng đến chức năng sinh sản, mang thai và cho con bú”, bà Lan nói.

Một vấn đề nữa được ILO đưa ra, là Thông tư 26 chưa tính đến những nhu cầu chiến lược về tăng quyền cho phụ nữ và tiềm năng cải tiến công nghệ để giải quyết các vấn đề về sức khỏe. Trên thực tế, phụ nữ có thể mất đi những cơ hội việc làm do những quy định mới này.

Nhiều nữ công nhân có sức khỏe tốt, không mang thai, hoặc không nuôi con nhỏ, mong muốn được làm những công việc này, nhưng lại bị từ chối chỉ vì người thuê lao động không muốn vi phạm pháp luật.

Theo cảnh báo của ILO sẽ có rất nhiều nữ lao động trẻ sống độc thân, hoặc là trụ cột kinh tế của gia đình không thể tìm được việc làm; nhiều phụ nữ trung niên và lớn tuổi hơn một chút nếu không có kỹ năng và bằng cấp, khi không còn bận rộn với con nhỏ và gia đình và vẫn còn đủ sức khỏe làm việc, có thể làm những công việc đơn giản nhưng vất vả với mong muốn có được thu nhập.

Thông tư mới ban hành danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ, kết quả là, phụ nữ có ít cơ hội làm việc và tạo thu nhập hơn và nhiều người trong số họ có thể bị tái nghèo. Thực tế cũng đã cho thấy, còn rất nhiều người phụ nữ làm các công việc thuộc danh mục cấm này và hầu hết họ là những người có thu nhập thấp, trình độ dân trí không cao, khó có khả năng tìm được các công việc khác phù hợp với giới tính.

Về sự hoài nghi tính thực tế của Thông tư 26, theo ILO, với quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động là rà soát các công việc lao động nữ đang làm dựa theo danh mục các công việc không được sử dụng lao động nữ, từ đó có kế hoạch sắp xếp, đào tạo lại hoặc chuyển nghề, chuyển công việc phù hợp với sức khỏe của lao động nữ.

Trên thực tế, nhiệm vụ này không dễ thực hiện và mất nhiều thời gian để cả người sử dụng lao động và người lao động có thể thực hiện được. Thông tư cũng yêu cầu sở lao động thương binh – xã hội phối hợp với sở y tế và Liên đoàn Lao động địa phương thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này và sẽ tăng cường thanh tra và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác thanh tra doanh nghiệp không hề dễ dàng hiện nay là lực lượng thanh tra luôn được các Sở than là “mỏng và yếu”, cộng với đó là công tác thanh tra doanh nghiệp không đơn giản một chút nào.

Đưa ra ý kiến về tính thực tiễn của Thông tư 26, PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp, nguyên Trưởng khoa Nhân học, Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn Tp.HCM cho rằng, thực tế có hàng chục nghề trong các cơ sở kinh tế khác nhau: nhà nước, tư nhân... khó mà kiểm soát và chế tài xử phạt.

Theo đề xuất của ông Nguyễn Văn Tiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nên chăng ban hành chi tiết hơn về điều kiện bảo hộ lao động và an toàn lao động chặt chẽ và khắt khe hơn để tránh rủi ro và thương tích do lao động gây ra không chỉ cho nữ và cả nam và xử phạt thật nặng những vi phạm này.

Thêm nữa, cần vận động, giáo dục, thuyết phục các cơ sở kinh tế hạn chế tuyển lao động nữ trong các ngành nghề này và giáo dục hướng nghiệp cho chị em phụ nữ khi lựa chọn nghề cần cân nhắc khi sức khỏe và hoàn cảnh cho phép. Còn chỉ cấm đoán không thôi thì trên thực tế khó thực thi và kiểm tra giám sát.

Thời báo Kinh tế Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo