Xã hội

8 giờ làm "thượng đế" của "Bộ đường sắt"

Mua tấm vé tàu SE 1 từ Đà Nẵng đi Diêu Trì ( Bình Định) với hạng vé “nằm mềm điều hòa” – là hạng vé cao cấp nhất của tàu SE 1, giá 347.000 đồng, xuất phát lúc 10h36 phút ngày 3/5/2014 .Tôi hăng hái đến Ga Đà Nẵng lúc 10h05 phút để chuẩn bị lên tàu đúng giờ quy định ghi trên vé, sắp sửa trở thành “thượng đế” của “ Bộ Đường Sắt”.

Bước vào phòng chờ Nhà Ga, tôi gặp hai chị nhân viên soát vé tầm U50 ngồi ngay cổng phòng chờ, yêu cầu xuất trình vé. Mặc dù đã đi tàu khá nhiều lần từ Ga Đà Nẵng, nhưng qui trình soát vé để vào phòng chờ tôi chưa gặp bao giờ, nên mới hỏi chị soát vé rằng: “Chưa đi mà soát vé làm gì”, thì được vui vẻ trả lời: “Để hạn chế khách không đi tàu vào phòng chờ chật chội cho khách có vé đi tàu và xíu nữa ra tàu khỏi kiểm lại vé’.

Tôi thầm nghĩ, như vậy cũng là một cách cải tiến dịch vụ tích cực và bước vào phòng chờ với những hàng ghế chờ còn trống, thoáng đãng, máy lạnh chạy rè rè mát rượi. Lại một lần nữa tôi cảm thấy vui với thay đổi nhỏ này của Ga Đà Nẵng, mặc dù ngay tại quầy soát vé, tấm biển “bán vé tiễn người nhà” vẫn còn đấy, thì không biết liệu mục tiêu “hạn chế khách vào nhà ga” có thực hiện được không?
 
Khoảng 10h20 phút, bộ mặt Nhà Ga bắt đầu thay đổi hoàn toàn so với quang cảnh trước đó vài chục phút. Khách đi tàu, khách đưa tiễn bắt đầu dồn vào nhà chờ liên tục. Kẻ đứng vì không có ghế; người ngồi, thậm chí ngồi bệt xuống sàn Nhà Ga; thậm chí có người không còn chỗ để đứng, phải ra hành lang, cộng với hành lý và một mớ âm thanh hỗn tạp khác, bắt đầu đưa nhà Ga trở lại cảnh tượng rất đặc trưng như vài chục năm từ trước đến nay. Tôi thầm nghĩ, mục tiêu của việc thay đổi kiểm soát vé ngay từ của ra vào Nhà Ga xem như không đạt được.
 
10h36 phút. Không nghe thấy thông báo lên tàu nào được phát đi, khách bắt đầu nhốn nháo thêm và khung cảnh Nhà Ga vì thế mà cũng thêm chật chội, ngột ngạt.
 
Khoảng 11h, tiếng loa phóng thanh vang lên: “Tàu SE  về Ga Đà Nẵng chậm giờ so với giờ qui định, giờ dự kiến mới là 11h20 phút” ... Cả hành khách trong Nhà Ga cùng kêu lên đồng thanh "ohh...” với vẻ mặt đa số là mệt mỏi, chán chường.
 
Các hành khách người nước ngoài thì ngơ ngác nhìn nhau, rồi nhìn tấm vé trên tay và có lẽ họ không thể hiểu được chuyện gì đang xảy ra, bởi vì lý do rất đơn giản là thông báo không được chuyển sang Tiếng Anh như thông lệ. Vậy đó, vẫn biết rằng chậm giờ tàu là “căn bệnh mãn tính” của ngành đường sắt, nhưng thật khó chấp nhận vì còn có bao nhiêu kế hoạch cá nhân của khách hàng có khả năng sẽ bị ảnh hưởng.
 
 
11h20 phút, không có thông báo mới gì của Nhà Ga để biết rẳng lúc nào hành khách sẽ xuất phát. Nhiều tiếng phàn nàn, tiếng điện thoại cho người thân vang lên nhốn nháo, nhưng điều quan trọng nhất là giờ nào các "thượng đế" được lên tàu thì vẫn chưa được Nhà Ga thông báo.
 
Trong thời gian chờ đợi, tôi nảy ra ý định đi vào nhà vệ sinh - một trong những nơi hành khách ở các nhà ga, bến xe ngại đến nhất, để xem có thay đổi nào tích cực không so với trước đây hay không. Mạnh dạn sải bước vào cổng nhà vệ sinh, tôi gặp ngay một bác tuổi chừng ngoài 60, ngồi ngay cửa, cất giọng nói với âm lượng như... hét: “2.000 đồng”. Tôi nhanh chóng nhận ra, mỗi lần vệ sinh là 2.000 đồng và móc ví bỏ tiền vào một chiếc rổ nhựa đặt ngay trước mặt bác ấy với hy vọng “ thu tiền thì chắc chắn dịch vụ sẽ tốt”. Nhưng những gì tôi chứng kiến khi vào nhà vệ sinh Nhà Ga chẳng khác là bao nhà vệ sinh tại các nơi công cộng của Nhà Ga đường sắt, nói nôm na là  vừa .."đi", vừa nín thở.
 
11h35. Tiếng loa phóng thanh lại vang lên trong Nhà Ga, đại ý "Tàu SE 1 đang về ở đường sắt số 2, hành khách đứng cách xa đường sắt 2 m để an toàn, hành khách chuẩn bị tư trang hành lý để lên tàu, hành khách xuống tàu kiểm tra lại tư trang hành lý để tránh để quên trên tàu. Thay mặt ngành đường sắt, mong khách hàng thông cảm vì tàu chậm giờ so với qui định”.
 
Câu nói này tôi nghe rất quen tai từ bao nhiêu năm nay khi mỗi lần làm “thượng đế” của ngành đường sắt. Và tôi tự hỏi, tất cả hành khách đang ngồi trong Nhà Ga thì có cần thông báo “đứng xa đường sắt 2 m không? Vì có hành khách nào ở ngoài kia đâu mà “đứng cách 2m”; Còn tất cả khách xuống tàu thì vẫn đang ở trên tàu, có trong Nhà Ga đâu mà nghe được  thông báo “Khách xuống tàu kiểm tra tư trang, hành lý...”? Còn khách người nước ngoài lại thêm một lần nữa ngơ ngác, khi thông báo chỉ được phát đi bằng tiếng Việt.
 
Lên tàu, tôi cố len người vào lối đi hẹp trên toa giường nằm, bởi vì người qua, kẻ lại lỉnh kỉnh hành lý và kể cả có sự góp phần không nhỏ cho sự nhốn nháo là những người bán hàng rong tranh thủ nhảy lên tàu bán hàng mà không hề thấy các nhân viên nhà tàu phản ứng gì.
 
Đến giường số 15 ghi trên vé, đập vào mắt tôi là tấm ga trải giường màu trắng, mền, gối màu xanh, nhưng dính đầy mạng nhện, tóc và những vết bẩn màu đen mà không thể biết cụ thể là gì. Hơn nữa, một không khí ngộp thở vì máy điều hòa đã tắt khi tàu vào ga, cộng với cái  mùi đặc trưng gọi là “mùi tàu hỏa”, làm không khí trở nên ngột ngạt. Nhìn tấm vé “hạng nhất” của tàu SE 1, tôi thầm nghĩ, không biết các toa khác, tương ứng với hạng trung, hạng bình dân chẳng hạn, thì sẽ như thế nào?
 
Đang đứng ở cửa ra vào buồng thì tôi nghe một giọng nói của một ông lão vang lên “ Nước nóng cũng không mà nước lạnh cũng hết”. Thì ra, trên mỗi toa tàu có bình nước nóng lạnh phục vụ miễn phí khách đi tàu, nhưng hình như chỉ để cho vui, chứ chẳng có nước; hoặc nước có bấy nhiêu, dùng hết thì thôi vậy.
 
Loa phóng thanh trong phòng phát rào rào bài hát gì đấy của ngành đường sắt những năm 70-80 của thế kỷ trước, nghe rè rè, tiếng được, tiếng mất. Tôi với tay định vặn nhỏ bớt công suất thì không thể, vì điều rất đơn giản là nút vặn để điều chỉnh âm lượng bị tụt vào trong và hỏng tự bao giờ.
 
Lại muốn xem chất lượng nhà vệ sinh trên tàu thế nào, tôi mở cửa vào và điều đầu tiên gặp phải là sàn nhà vệ sinh xâm xấp nước mà không biết cụ thể đó là loại nước gì, kèm mùi hôi đến ngạt thở như xộc vào mũi và bên trong khá dơ bẩn. Tôi vội vàng quay ra, một tay bịt mũi, mang theo một sự trải nghiệm chân thực đến khó tin đối với các dịch vụ trên tàu của Đường Sắt Việt Nam.
 
12h, tàu xuất phát. Tôi cố gắng chợp mắt một lúc thì đột nhiên tỉnh giấc và thấy khá ngột ngạt, kèm theo tiếng ồn ào bên ngoài của nhiều hành khách. Thì ra, máy điều hòa trên tàu đột nhiên không hoạt động, trong khi cửa tàu đã đóng kín nên trẻ con, người lớn đều bị ngộp. May thay, sau khoảng 15 phút thì nó lại hoạt động bình thường, chứ nếu không khắc phục được sự cố thì không biết làm sao mà hành khách thở cho được.
 
13h, chúng tôi đến ga Tam Kỳ, mà theo lịch chạy tàu ngành đường sắt công bố là 11h57 phút. Như vậy là trễ 1 tiếng so với lịch trình. Theo kế hoạch, tàu sẽ dừng ở ga Tam Kỳ 03 phút rồi di chuyển đi Quảng Ngãi .
 
13h05, tàu vẫn dừng. 13h10, tàu vẫn dừng. 13h20, tàu tiếp tục đứng im tại ga Tam Kỳ mà không kèm theo lời thông báo nào cho hành khách. Mọi người bắt đầu nhốn nháo hỏi nhau nguyên nhân. May thay, 13h23 phút, tàu lại tiếp tục chuyển bánh, mang theo bao nhiêu thắc mắc của khách hàng mà không một lời giải thích hay một dòng thông báo nào.
 
Tiếp tục hành trình và tàu dừng ở Ga Quảng Ngãi. Theo qui định lịch chạy tàu, 2 hành khách trong toa tôi xuống tàu, để lại 2 chiếc giường lộn xộn, dơ bẩn và một khoang tàu đủ thứ đồ dùng, nước uống đã qua sử dụng. Tôi trộm nghĩ, có lẽ nhân viên nhà tàu sẽ vào dọn dẹp và thay mới để đón hành khách khác lên tàu. Có 2 hành khách lên tàu từ Quảng Ngãi, vào thay thế 2 hành khách đã xuống tàu. Nhưng tôi đã nhầm, bởi vì họ phải nằm trên cái đống mền, ga, gối lộn xộn của 2 vị khách đã dùng trước đó, kèm với việc phải tự tay dọn dẹp đồ ăn, thức uống thừa của 2 người kia để lại mà không thấy bóng dáng của nhân viên nhà tàu vào dọn dẹp, trừ nhân viên vào để kiềm soát vé.
 
Tàu đến Ga Diêu Trì lúc 17h, sau khi đã tăng tốc độ từ Quảng Ngãi. Vẫn chậm 49 phút so với bảng giờ tàu mà đường sắt Việt Nam công bố. 49 phút có thể không quan trọng với người này, nhưng lại là sự trở ngại và ảnh hưởng nhất định với người khác.
 
Tôi bước ra cổng, xuất trình vé tàu cho 2 cô soát vé tại Ga Diêu Trì. Sau khi xem vé, 1 trong 2 cô chỉ trả vé lại cho tôi sau khi tôi phải đề nghị đưa lại vé để tôi thanh toán với công ty. Ra khỏi ga Diêu Trì, tôi gặp ngay một nhóm người nhốn nháo chen vào lối đi ra Ga của hành khách với câu hỏi “Bán lại vé tàu không?” Câu hỏi của những phe vé khiến tôi nhớ ra và hiểu phần nào việc cô kiểm soát vé "vô tình" không trả vé lại cho tôi sau khi đã kiếm tra khi nãy.
 
Kết thúc hành trình làm “thượng đế” với 8 giờ trên tàu hỏa của Đường Sắt Việt Nam với số hiệu tàu, giá vé thuộc hàng sang đã cho tôi rất nhiều suy ngẫm về mức độ cải thiện dịch vụ của ngành đường sắt sau 39 năm đất nước thống nhất. Có lẽ không sai, khi đánh giá dịch vụ của ngành đường sắt bằng nhận xét của chính “tư lệnh” ngành Giao thông vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng, đại ý rằng, ngành đường sắt nên nghĩ mình là một doanh nghiệp, thay vì là "Bộ đường sắt”, và đừng để người dân nghĩ đến đường sắt là nghĩ đến một hình ảnh trì trệ.
Báo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo