Môi trường

9 lần vi phạm môi trường, xử phạt rồi để đấy

Có ý kiến nhận định rằng hiện nay ngày càng có nhiều tổ chức vi phạm môi trường với quy mô, tính chất nghiêm trọng, và các hành vi vi phạm có xu hướng tăng lên.

Ông Lê Kế Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

Giải thích về vấn đề này, ông Lê Kế Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường giải thích: “Do trước đây chúng ta trải thảm đỏ để tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập nên việc quản lý môi trường chưa được quan tâm thực hiện đúng mức và công tác thanh tra kiểm tra chưa có điều kiện để thực hiện thường xuyên, vậy nên nhiều vụ việc tiêu cực không được phát hiện. Hiện nay, khi chúng ta chú ý đến môi trường, tăng cường kiểm tra, giám sat và yêu cầu tiêu chuẩn cao hơn thì mới nhận thấy vấn đề. Chứ không phải xu hướng vi phạm, tính chất vi phạm, quy mô vi phạm có chiều hướng tăng lên”.

 
“Những hành vi vi phạm phổ biến là không thực hiện đủ báo cáo đánh giá quản lý môi trường, trong đó một công cụ cần phải có là xây dựng đề án. Và công cụ đó phải đảm bảo việc phòng ngừa, xử lý các dấu hiệu vi phạm môi trường. Hành vi vi phạm thứ hai khá phổ biến là quản lý rác thải không tốt, trong đó có việc quản lý chất thải nguy hại. Hành vi thứ ba là xả thải không đúng, xả thải quá mức hoặc vượt quá tiêu chuẩn cho phép hoặc xả thải không qua xử lý”, ông Sơn nhấn mạnh thêm.
Ông Sơn cho rằng để giải quyết vấn đề một cách triệt để thì cần phải nâng cao nhận thức của cộng đông. Đặc biệt là nhận thức chung của người dân và nhận thức của doanh nghiệp cần phải được tác động mạnh hơn, nhất là thông qua báo chí. Các doanh nghiệp ngại báo chí, ngại người dân và ngại dư luận, hơn các cơ quan chức năng, vì vậy cần phải tăng cường vai trò của người dân, của báo chí trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đó là con đường tất yếu của các nước phát triển hiện nay. 
 
Bà Lê Thị Nga ĐBQH tỉnh Thái Nguyên trong kỳ họp QH vừa qua có nêu ra trường hợp có những vụ vi phạm luật Môi trường đến 9 lần mà chỉ xử phạt rồi để đấy, không xử lý hình sự. Như vụ việc của Công Ty Hào Dương ở TPHCM xả thải ra sông Đồng Điền hoặc những sai phạm của Công ty  Nicotex gần đây.
 
Về vấn đề này, ông Lê Kế Sơn giải thích: “Không chỉ là Công ty Hào Dương, công ty Nicotex mà còn rất nhiều công ty khác. Công ty Hào Dương ít nhất 9 lần vi phạm pháp luật về môi trường. Vừa rồi Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường C49 Bộ Công An đã bắt quả tang Công ty Hạo Dương xả trộm nước thải ra sông Kinh hay còn gọi là sông Đồng Điền. Đồng thời công ty đã không làm tốt công tác bảo hộ lao động làm 3 công nhân chết ngạt trong hầm. Đây là vụ việc nghiêm trọng không thể nào chấp nhận được nhưng tại sao lại để kéo dài. 
 
Để giải quyết vấn đề này UBND TPHCM đã xử phạt Công ty Hào Dương 340 triệu vào tháng 8/2012. Tổng cục Môi trưởng cũng đã tổ chức 2 lần thanh tra vào năm 2010 và 2011. Theo quy định của pháp luật, UBND TPHCM là cơ quan quản lý cơ sở của công ty này và UBND TPHCM hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc vi phạm của Công ty Hào Dương”. 
 
“Về phía Tổng cục Môi trưởng, mặc dù đã thanh tra nhưng chúng tôi đề nghị Bộ TNMT chuyển việc thanh tra đó về UBND TPHCM xử lý. Ngày 4/11 chủ tịch UBND TPHCM đã ra quyết định đình chỉ hoạt ộng của Công ty Hào Dương. Việc đình chỉ này phù hợp với điều 48 của nghị định số 47 là nghị định xử lý vi phạm hành chính trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường”, ông Sơn nói thêm. 
 
Về vụ việc công ty Nicotex ông Sơn cho biết: trong thời gian qua từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ TNMT, UBND tỉnh, UBND huyện cùng các cơ quan chức năng đã tiến hành nhiều hoạt động liên quan đến vụ Nicotex Thanh Thái và bản thân Nicotex Thanh Thái cũng đang tiến hành một số việc để khắc phục. Nhưng hậu quả của một sai phạm kéo dài, cực kỳ nguy hiểm thì không thể đơn giản xử lý trong ngày một ngày hai. 
 
Theo tôi có hai điều quan trọng để xử lý vụ việc này: Thứ nhất là phải đánh giá quy mô, tính chất, mức độ của hành vi trong việc chôn cất không đúng quy định các hóa chất độc hại, trong đó có các hóa chất bảo vệ thực vật nhóm clo (là nhóm có thể gây ung thư). 
 
Điều thứ hai là trong cuộc họp gần đây, ngày 8/10/2013 một hội nghị liên ngành do ông Nguyễn Quý Đức, Phó tổng cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm chủ trì. Hội nghị yêu cầu trên cơ sở những thông tin hiện có và yêu cầu các cơ quan chức năng trong đó có công an bổ sung để xử lý vụ này. 
 
Theo luật Bảo vệ môi trường mới, đối với những vụ vi phạm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người và môi trường. Để xác định mức độ ảnh hưởng của các chất cụ thể là điều không đơn giản. Vì vậy chúng tôi đề nghị áp dụng theo quy định của một số nước tiên tiến.
 
Không thể vì bảo vệ một vài người mà ảnh hưởng đến hang triệu người dân, không thể vì bảo vệ một con sói mà ảnh hưởng đến cả một bầy cừu. Trong luật Bảo vệ môi trường mới quy định rõ, người đứng đầu các tổ chức quản lý nhà nước quản lý trực tiếp tổ chức vi phạm phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, lãnh đạo các sở công thương, sở tài nguyên môi trường trực tiếp quản lý Nicotex phải chịu trách nhiệm về vụ việc này
 
Như Trâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo