Pháp luật

90 đồng cho mỗi ngày thăng đường xét xử

Quốc hội sáng nay 27.10 đã xôn xao sau khi số tiền bồi dưỡng cho hội thẩm nhân dân được ĐBQH Đặng Công Lý (Bình Định) tiết lộ. Theo đó, mỗi hội thẩm nhân dân hiện chỉ được 90 đồng cho mỗi ngày xét xử.

Là Chánh án TAND tỉnh Bình Định, kiêm Ủy viên Ủy ban Tư pháp của QH, ông Lý cho rằng mức bồi dưỡng này là “rất thấp”, trong khi đó trách nhiệm của Hội thẩm nhân dân là không hề thấp. Và với mức bồi dưỡng 90 đồng cho mỗi ngày xét xử thì oan sai xảy ra trách nhiệm bồi thường thế nào? Trách nhiệm (trước pháp luật) ra sao?- ông Lý đặt câu hỏi.

ĐBQH Nguyễn Thái Học cũng bày tỏ băn khoăn: Thẩm phán tham gia phiên tòa theo sự phân công của Chánh án, nhưng hội thẩm, trong cùng một phiên tòa thì theo sự phân công của ai. Nếu hội thẩm do Chánh án phân công,  vậy thì tính độc lập của hội thẩm ở đâu. Ông Học đề nghị hội thẩm tham gia phiên tòa theo phân công của đoàn hội thẩm.
 
Thảo luận Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, được đưa ra QH sáng nay - các vị ĐBQH đặc biệt quan tâm đến hai nhân tố quan trọng nhất trong một phiên tòa là hội thẩm và thẩm phán.
 
Ông Đặng Công Lý đề nghị thẩm phán TAND TC được bổ nhiệm không kỳ hạn cho đến khi nghỉ hưu. Song song với việc bổ nhiệm này, theo ông, cũng cần thành lập ban giám sát thẩm phán TAND cấp tỉnh để giám sát hoạt động của họ kể cả việc khen thưởng, vinh danh và đánh giá tư cách đạo đức của thẩm phán.
 
Đối với quy định thẩm phán có thể xác minh chứng cứ nếu cần thiết, đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) cho đây là quy định cần thiết để thẩm phán không bị phụ thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan công an.
 
ĐBQH Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng nêu ra 4 băn khoăn. Theo dự thảo luật, tiêu chuẩn thẩm phán được quy định “phải có hiểu biết xã hội phong phú”; Hay tiêu chuẩn “Lắng nghe ý kiến, tôn trọng nhân dân”. Ông Học cho rằng đây là quy định “rất chung chung, mang tính khẩu hiệu”. Thế nào là hiểu biết phong phú, thế nào là không, nhất là đây lại là tiêu chuẩn bổ nhiệm”.
 
Theo ông Học, chỉ nên quy định thẩm phán tôn trọng và chịu sự giám sát của nhân dân. “Luật cũng không nên quy định ưu tiên lương và phụ cấp cho thẩm phán. Tại sao lại được ưu tiên?”- ông Học nói - sau đó đề nghị xem xét lại quy định thẩm phán không được tiếp đương sự không đúng nơi quy định. “Tôi hiểu quy định những điều thẩm phán không được làm là nhằm ràng buộc trách nhiệm, nhưng quy định này rất chung chung, rất khó để thực hiện, và đối với nhiều trường hợp cụ thể thì không thể giải quyết được” – ông Học nhận định.
Lao động
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo