Thị trường

9X trồng rau muống VietGAP lãi 20 triệu đồng/tháng

Là một người con của tỉnh Bắc Giang, chàng trai 9X Trần Văn Kiên (sinh năm 1988) đã chọn TP.HCM là điểm đến, để có thể thể hiện sức trẻ của mình.

Kiên kể, anh vào đây từ năm 2015 đến nay. Thời gian đầu rất khó khăn. Sau khi được chỉ dẫn từ những người đi trước, Kiên đã lặn lội đến Củ Chi thuê đất làm nông nghiệp. Vì theo Kiên, mình sinh ra từ nghề nông thì chỉ có nghề nông mới giúp mình phát triển, nhưng với điều kiện là phải thật sự cố gắng và trau dồi, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước cũng như lựa chọn, thực hiện tốt những kỹ thuật mới, áp dụng vào thực tế sản xuất mới có thể thành công.

Nói là làm, với sự nhiệt huyết, cùng sức trẻ của mình, Kiên đã quyết định thuê 8.000m2 đất ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi để trồng rau muống nước. Ban đầu trồng cũng không mấy thuận lợi, vì khi đó thị trường lẫn lộn "bẩn, sạch" nên sản phẩm của Kiên không tránh khỏi sự nhập nhằng đó, rất khó bán.

Tham quan ruộng rau muống VietGAP của Kiên.

Đến năm 2017, nhờ sự tư vấn, hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật khuyến nông địa phương, Kiên đã chọn mô hình trồng rau muống nước VietGAP để phát triển kinh tế. Thực hiện theo đúng chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật, Kiên đã từng bước đạt được kết quả, gây dựng kinh tế gia đình ngày càng ổn định và khấm khá hơn.

Kiên cho biết, với 8.000m2 đất đã thuê, anh trồng rau muống VietGAP, mỗi ngày thu hoạch được 500kg rau cung cấp cho siêu thị và các chợ. Trong đó 200kg/ngày cung cấp cho siêu thị Vitamart ở Quận 5 (với giá 6.000đ/kg) và 300kg còn lại cung cấp cho các chợ đầu mối ở Củ Chi. Giá bán ở chợ thấp hơn so với giá bán theo hợp đồng ở siêu thị và được phân theo từng loại rau, với rau mầm và rau thường có giá từ 4.000-5.000đ/kg, còn rau ăn lẩu, rau bào… có giá khoảng 3.000đ/kg. Như vậy, tính tổng thu nhập Kiên đạt được 60 gần triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí công lao động, chi phí thuê đất (40 triệu đồng/năm), giống, điện, nước… còn lãi 20 triệu đồng.

Chia sẻ cảm nghĩ của mình, Kiên nói: “Trồng rau muống nước theo quy trình VietGAP là mô hình hay, phù hợp với nhu cầu thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm và đặc biệt đã giúp nhiều hộ trồng rau như anh có công ăn việc làm ổn định, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, mô hình đã thay đổi dần phương thức sản xuất truyền thống, sang phương thức sản xuất sạch...".

Nên đọc
Theo Nông nghiệp
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo