ADB: Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục “nở hoa”
Tại buổi công bố báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á của ADB, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cũng dự báo lạm phát trong năm nay sẽ có xu hướng tăng nhưng chừng nào tiền tệ và tín dụng được theo dõi sát sao thì còn ổn định.
Theo đó, ADB dự báo lạm phát đạt 3,7% trong năm nay và năm sau là 4% do giá tăng cầu nội địa và giá cả hàng hóa toàn cầu.
“Sự tăng cường nỗ lực thu ngân sách trên mọi lĩnh vực của Chính phủ trong năm 2017 đã giúp kéo nợ công xuống còn 61,3% GDP vào cuối 2017. Sự củng cố tài khóa cùng với lạm phát ở mức thấp sẽ tạo điều kiện tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Sidgwick nói.
Bên cạnh đó, ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế Quốc gia của cơ quan đại diện ADB tại Việt Nam nhận định rằng động lực của sự tăng trưởng mạnh mẽ này là từ tăng trưởng đầu tư nước ngoài, xuất khẩu tăng mạnh, nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng nhanh, môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể và nông nghiệp lấy lại được đà phát triển.
Nhìn chung, ADB thấy bức tranh khá tích cực cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018-2019 tuy nhiên cũng có một số nguy cơ về sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu cũng như vấn đề thiếu hụt lao động có kỹ năng.
“Rõ ràng, mô hình tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu với 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc nên nếu có gián đoạn thương mại quốc tế như hiện nay thì tất nhiên kinh tế trong nước sẽ ảnh hưởng nhiều”, ông Sidgwick cho hay.
Đồng tình với ông Sidgwick, chuyên gia kinh tế Quốc gia của ADB cũng dự báo rằng việc gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ làm Việt Nam rất dễ bị tổn thương.
“Nếu Trung Quốc và Mỹ tăng thuế thì sẽ tác động lan tỏa trực tiếp đến kinh tế Việt Nam khi VN dựa nhiều vào xuất khẩu cho cả hai nền kinh tế lớn trên thế giới này”, ông Batten nói.
Theo đó, đại diện ADB cho rằng, Việt Nam cần giảm lệ thuộc vào xuất khẩu và FDI mà nên khai thác mạnh tiềm năng nội tại của nền kinh tế, nuôi dưỡng tăng trưởng kinh tế tư nhân để duy trì nền kinh tế trước những cú sốc đến từ bên ngoài.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng khuyến nghị, Việt Nam cần có nhiều nỗ lực hơn để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động có kỹ năng nhằm đảm bảo tăng trưởng được duy trì bền vững và công bằng.
“Trong thập niên vừa qua, Việt Nam có thể huy động nguồn cung nhân lực trẻ, được đào tạo để thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực chế tạo cần nhiều lao động. Tuy nhiên, khi nền kinh tế Việt Nam dần trở nên phức tạp hơn, khoảng cách giữa trình độ của người lao động và nhu cầu của doanh nghiệp ngày càng lớn hơn. Do đó, nếu không được khắc phục, sự thiếu hụt lao động có kỹ năng này sẽ trở thành rào cản lớn đối với sự phát triển của Việt Nam”, ông Sidgwick cho biết thêm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
HoSE xem xét huỷ niêm yết bắt buộc đối với Thiên Nam TNA
Xăng dầu tăng giá mạnh, RON 95 lên sát 21.000 đồng/lít
Đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp Canada với thị trường Việt Nam
Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại sáng 8/11 sau khi Fed hạ lãi suất
Đưa hàng Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng ở Đông Bắc Thái Lan
Giá nông sản ngày 8/11/2024: Hồ tiêu tăng trở lại, cà phê giảm nhẹ