Thị trường

AEC nhìn từ doanh nghiệp

Nhằm đón đầu sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), cả doanh nghiệp Việt Nam lẫn các doanh nghiệp trong khu vực đã có những động thái chuẩn bị cho riêng mình.

 Chuẩn bị cho thị trường chung ASEAN 2015

 

(TBKTSG) -Trong mảng sản phẩm đồ gia dụng, cụ thể là các sản phẩm xoong nồi, các doanh nghiệp Thái Lan đã bắt đầu đưa hàng ồ ạt vào thị trường Việt Nam, hàng của họ đã có mặt ở các siêu thị. Ông Đặng Chí Hùng, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Nhôm - Nhựa Kim Hằng, cho rằng những động thái ấy cho thấy doanh nghiệp Thái Lan đang chuẩn bị trước cho thời điểm thị trường Đông Nam Á (ASEAN) mở rộng cửa vào năm 2015.

Theo ông Hùng, chắc chắn trong thời gian tới, tình hình cạnh tranh trong lĩnh vực này sẽ vô cùng khốc liệt. Bấy lâu, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cạnh tranh tại thị trường Việt Nam chủ yếu nhờ giá rẻ, nhưng chất lượng thấp, nên doanh nghiệp Việt Nam vẫn có lợi thế nhất định nhờ chất lượng sản phẩm của mình. Nhưng thời gian tới đây, đặc biệt khi thị trường chung ASEAN được thành lập vào năm 2015, doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh với những tên tuổi lớn từ các nước ASEAN với hàng hóa chất lượng, mà giá cả chưa chắc đã cao hơn hàng hóa Việt Nam, ông Hùng nói.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hoa Sen, cũng có đánh giá lạc quan khi cho rằng Cộng đồng kinh tế ASEAN là một cơ chế mở hơn các hiệp định thương mại song phương và đa phương hiện nay, và chắc chắn sẽ đem lợi cho các thành viên ASEAN. “Tuy nhiên, nếu chúng ta không biết nắm bắt thì cơ hội sẽ trở thành nguy cơ”, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hoa Sen nói.

Ông Vũ cho biết Hoa Sen đã có những chuẩn bị cho thời điểm mở rộng cửa này. Cụ thể, tập đoàn này đang tăng cường đầu tư để tăng doanh số và sản lượng gấp đôi so với hiện nay, trong 1-2 năm tới, trong đó có việc Hoa Sen đang xúc tiến đầu tư các nhà máy ở Thái Lan và Indonesia.

Ngoài ra, Hoa Sen đang thuê một giám đốc người Nhật nhằm mục đích đảm bảo chất lượng sản phẩm. Tập đoàn cũng đang mở rộng hệ thống bán lẻ để tạo lợi thế cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa; quảng bá thương hiệu ở tầm khu vực và quốc tế như ở Thái Lan, Indonesia, tổ chức sự kiện đoàn diễu hành xe hơi Ấn Độ - ASEAN, tài trợ bóng đá Myanmar.

Còn Công ty Kim Hằng đã đầu tư nghiên cứu gần cả năm nay để ra mắt sản phẩm mới đáp ứng thói quen của người tiêu dùng trong khu vực. Công ty cũng đang chuẩn bị xuất lô hàng đầu tiên sang Malaysia - thị trường mà ông Hùng cho là cũng có nét tương đồng với thị trường Việt Nam vốn không đòi hỏi quá khắt khe.

“Nếu làm tốt việc này (thâm nhập thị trường Malaysia), thì khi thị trường mở cửa, thuế suất giảm xuống, mình sẽ cạnh tranh tốt”, ông Hùng nói. Ngoài ra, mặc dù kênh phân phối tại Việt Nam đã được Kim Hằng xây dựng hơn chục năm nay, nhưng công ty vẫn phải củng cố, chuẩn bị cho thời điểm mà ông Hùng luôn nhắc đi nhắc lại là sẽ “cạnh tranh khốc liệt”.

Đón đầu AEC nhìn từ doanh nghiệp Thái Lan

Mùa hè năm nay, lần đầu tiên tập đoàn Thái Lan SCG đã công bố chương trình thực tập sinh quốc tế, mở ra cho sinh viên Việt Nam và Indonesia, Philippines cơ hội học tập và làm việc tại Thái Lan. Theo ông Kiti Madiloggovit, Giám đốc nhân sự của tập đoàn SCG, đây là một phần trong chiến lược nhân sự của SCG nhằm chuẩn bị tham gia AEC sắp tới, hướng đến đào tạo một đội ngũ nhân lực sẵn sàng cho việc mở rộng tập đoàn ở ASEAN trong tương lai.

Trên thực tế, Việt Nam, Indonesia và Philippines là ba quốc gia trọng điểm mà lãnh đạo SCG lên kế hoạch tiếp tục mở rộng hoạt động nhằm chuẩn bị cho việc thành lập AEC. Ở Việt Nam, chiến lược này được SCG cụ thể hóa bằng các dự án mở rộng đầu tư cũng như thâu tóm công ty trong nước.

Nhanh chân không kém SCG là Berli Jucker Public Co (BJC). Năm ngoái, BJC cho khai trương hai nhà máy tại Việt Nam. Một nhà máy sản xuất chai thủy tinh dùng cho sản phẩm bia, nước giải khát, liên doanh với Sabeco ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Còn cái kia là liên doanh với đối tác Mỹ Ball Corporation chuyên đóng lon nhôm cho bia và nước giải khát, hoạt động tại khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II. Cả hai nhà máy này phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang một số thị trường trong khu vực hoặc xuất trở về Thái Lan.

Theo Chủ tịch BJC Aswin Techajareonvikul, việc đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam của BJC cũng nhằm chuẩn bị cho việc hội nhập AEC. Theo ông Aswin, Việt Nam là thị trường tiềm năng trong ASEAN và hai nhà máy này không chỉ là nền tảng để tăng trưởng tại thị trường này mà còn mở rộng sang các thị trường xung quanh. Không chỉ dừng lại ở đầu tư, BJC còn đẩy mạnh lĩnh vực thương mại thông qua Thai Corp để đưa những mặt hàng khác từ Thái Lan vào Việt Nam.

Mới đây, BJC cũng đã mua lại hệ thống cửa hàng FamilyMart tại Việt Nam để bước chân vào thị trường bán lẻ, một phần trong kế hoạch bành trướng tại Đông Nam Á của BJC.

Trong khi đó, tập đoàn sản xuất và kinh doanh nông sản, thực phẩm và thức ăn chăn nuôi hàng đầu Thái Lan Charoen Pokphand (CP) dự kiến sẽ đầu tư lớn để nâng số nhà máy sản xuất thức ăn tại Việt Nam lên 10 cái vào năm 2014. Tổng giám đốc Tổng công ty Chăn nuôi CP tại Việt Nam Jittisart J. Sakulchai cho hay, kế hoạch mở rộng này nhằm tạo điều kiện cho công ty có thể tiếp cận nguồn nguyên liệu cũng như khách hàng tại các vùng miền ở Việt Nam hiệu quả hơn, giúp giảm chi phí vận chuyển.

 

Thu Nguyệt - Quốc Hùng

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo