Agribank rót 459 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp
6 ngân hàng tham gia ký kết gồm: Agribank, Sacombank, MHB, Đông Á, ACB, An Bình. Tổng trị giá các hợp đồng được ký kết khoảng 600 tỷ đồng, trong đó riêng 4 chi nhánh Agribank (Xuyên Á, Tây Sài Gòn, Bắc Sài Gòn, Hóc Môn) tham gia gần 450 tỷ đồng hỗ trợ vốn cho 30 doanh nghiệp và hộ sản xuất.
Đề cao chương trình mang tính thiết thực
Lễ ký kết này nằm trong chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp được triển khai từ nửa cuối năm 2012 theo chủ trương của UBND và NHNN Việt Nam chi nhánh TP.HCM. Trong năm 2013 đã thực hiện được 30 đợt ký kết với tổng số tiền hỗ trợ đạt hơn 13.704 tỷ đồng.
Chương trình đã được các chi nhánh Agribank tích cực tham gia tại tất cả 24 quận, huyện, trong đó có chi nhánh đã tham gia chương trình 2 lần với tổng số vốn đã cung ứng là 3.104 tỷ đồng và 120 khách hàng được hỗ trợ, chiếm 25% số vốn của chương trình trên toàn địa bàn. Thông qua các đợt ký kết, Agribank đã hỗ trợ vốn với mức lãi suất cho vay VND từ 7-9%/năm, lãi suất cho vay xuất nhập khẩu bằng USD 3,5%/năm.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh TP.HCM cho biết, trong năm 2014, NHNN Việt Nam chi nhánh TP.HCM và các quận, huyện tiếp tục thực hiện chương trình để tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức được 6 đợt ký kết với tổng số vốn đạt hơn 3.968 tỷ đồng.
Ông Tiết Văn Thành- Phó Tổng Giám đốc kiêm Trưởng Văn phòng đại diện khu vực miền Nam Agribank khẳng định: Agribank đã và đang tiếp tục triển khai các giải pháp tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng mang tính hiệu quả thiết thực như:
Đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, mở rộng hơn đến nhiều đối tượng nhỏ như các hợp tác xã, các hộ gia đình làm kinh tế với lãi suất ưu đãi; chuyển mạnh và tập trung tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ưu tiên tăng trưởng cho khách hàng truyền thống, các đối tượng và lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn thuận lợi; tiếp tục tham gia chương trình cho vay bình ổn thị trường năm 2014 - Tết Ất Mùi 2015 với hạn mức tín dụng ưu đãi 1.000 tỷ đồng... qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM.
Đồng hành cùng ngân hàng
Đứng ở góc độ ngân hàng, hoạt động cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn lâu nay luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro mang yếu tố khách quan như thiên tai cũng như các rủi ro về thị trường.
Theo đánh giá của Vụ Tín dụng NHNN: “Tình trạng người nông dân "được mùa mất giá, được giá mất mùa" vẫn thường xảy ra cùng với việc quy hoạch nuôi trồng thủy sản tràn lan, sự hoạt động kém hiệu quả của các doanh nghiệp... đã làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng cho các mặt hàng này”.
Mặt khác, lượng vốn trung và dài hạn cho sản xuất nông nghiệp vẫn còn rất thấp, trong khi sản xuất nông nghiệp luôn đòi hỏi nguồn cung ứng vốn trung và dài hạn cho quá trình phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, trong năm 2014, Chính phủ đã quyết định dành 15.000 tỷ đồng vốn trái phiếu để “tiếp sức” cho chương trình nông thôn mới. Nguồn vốn này đã được xác định chủ yếu sẽ “chảy” vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, với yêu cầu phát triển của ngành nông nghiệp hiện nay, đây cũng chỉ được coi như một khoản vốn mồi để thu hút người dân và doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào sản xuất nông nghiệp.
Yêu cầu bức thiết đang đặt ra là phải thay đổi cơ chế khuyến khích cho vay nông nghiệp nông thôn, cần có cơ chế khuyến khích để các tổ chức tín dụng cho vay các phương án, dự án mang tính chất nền tảng, mở đường cho nông nghiệp, nông thôn phát triển như xây dựng cơ ở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, ứng dụng công nghệ sản xuất giống cây…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển