Pháp luật

Agribank và những vết nhơ một thương hiệu lớn

Trải qua hơn 2 thập niên kì công xây dựng và phát triển, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) không ngừng phát triển và đã trở thành một ngân hàng thương mại – định chế tài chính lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, liên tục những vụ sai phạm ở Agribank nổ ra trong thời gian gần đây đang bôi đen lên thương hiệu lớn này.
Mua danh ba vạn…

 

Để tạo dựng uy tín, thương hiệu của mình, không chỉ với phương châm hành động đúng đắn và những quyết tâm nỗ lực không ngừng; không chỉ bằng mồ hôi, nước mắt của hàng vạn cán bộ, công nhân viên trải dài khắp cả nước từ thành thị đến vùng sâu vùng xa, Agribank thậm chí đã phải đầu tư rất nhiều tiền.
 

Dõi theo quá trình phát triển của hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn có thể thấy, bắt đầu từ năm 2003, việc quảng bá thương hiệu được đơn vị này đẩy mạnh thông qua nhiều hoạt động tài trợ xã hội, từ thiện, văn hóa, thể thao.
 
 
Trong đó đáng kể là chi phí cho việc trở thành “Nhà cung cấp dịch vụ tài chính - ngân hàng chính thức” cho SEA Games 22 và PARA Games năm 2003.
 

Một bước đi táo bạo hơn nữa trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu, Agribank đã đứng ra tài trợ giải bóng đá quốc tế mang tên Agribank Cup. Cú hợp tác này đã tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ vào thời điểm đó.
 
 
Để được công nhận là đối tác chính thức của Agribank Cup, ngân hàng này đã đưa ra gói tài trợ cho giai đoạn hợp tác 3 năm (2004-2006) với giá trị khoảng 2 tỷ đồng/năm.


Bằng những bước đi táo bạo như vậy, thương hiệu Agribank đã trở nên gần gũi hơn với đông đảo khách hàng và công chúng.
 
 
Còn nhớ, năm 2006, trong cuộc trò chuyện với chúng tôi tại trụ sở, khi nhà văn Văn Chinh (báo Nông nghiệp Việt Nam) đề cập đến hiệu quả của việc tài trợ Agribank Cup, ông Lê Văn Sở, tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp &Phát triển Nông thôn lúc đó đã hồ hởi nói: Cái lớn nhất mà chúng tôi đạt được là tên tuổi Agribank. Từ khắp mọi miền đất nước, qua giải đấu này, người dân đã có thể nhận biết và phát âm một cách rõ ràng: “A-gờ-ri-banh”.
 

Quả thực, trước đó, để nhận biết và phát âm tròn trịa được cái tên này đối với nhiều người là không dễ. Nói vậy để thấy, việc tạo dựng một danh xưng trên thương trường là kì công, vất vả và tốn kém biết nhường nào.


Như đã đề cập, bằng chiến lược đúng đắn, bền bỉ của mình, bằng sự nỗ lực không ngừng cộng với những khoản chi phí đầu tư lớn cho công tác xây dựng thương hiệu, Agribank từng bước tạo dựng cho mình một vị thế lớn, một tên tuổi lớn trong hệ thống tổ chức tín dụng tại Việt Nam.


Ghi nhận những bước tiến và những đóng góp của Agribank, Đảng và Nhà nước đã trao tặng đơn vị này nhiều phần thưởng cao quý. Bên cạnh đó, rất nhiều tổ chức cũng đã ghi nhận, vinh danh Agribank.
 
 
Tháng 10/2007, Chương trình Phát triển liên hợp quốc (UNDP) đã tôn vinh, xếp Agribank vào vị trí số 1 trong 200 doanh nghiệp lớn nhất đang hoạt động tại Việt Nam. Năm 2008, Agribank được ghi danh vào Top 10 thương hiệu Việt Nam uy tín nhất với số phiếu bình chọn tuyệt đối của các thành viên trong hội đồng bình chọn giải Sao vàng đất Việt (sự kiện này ghi dấu lần thứ 3 Agribank được giải thưởng này vinh danh nhưng điều đặc biệt năm đó Agribank là doanh nghiệp duy nhất trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính ngân hàng, chứng khoán lọt vào Top 10 thương hiệu Việt).


Những năm sau đó, Agribank cũng đã nhiều lần được các tổ chức vinh danh.


Bán danh ba đồng


Trải qua nhiều năm dài, Agribank mới tạo dựng nên một thương hiệu lớn. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực xây dựng vun đắp của rất nhiều tập thể, cá nhân, thì thời gian gần đây, tại nhiều đơn vị thuộc Agribank đã xảy ra hàng loạt sai phạm.
 
 
Những vụ việc tiêu cực liên tục, dồn dập cũng như hàng loạt thông tin xấu xảy ra trong hệ thống ngân hàng này như những vết nhơ tác động nghiêm trọng đến thương hiệu, uy tín của Agribank.


Thật khó có thể thống kê hết những sự vụ tiêu cực, vi phạm đã xảy ra tại hệ thống ngân hàng này. Bởi chỉ cần nhìn lại trong vài ba năm trở lại đây, chúng ta đã có thể kể ra hàng loạt sự vụ nghiêm trọng cùng với tình trạng đáng báo động về sự xuống cấp tư cách, đạo đức, vi phạm pháp luật trắng trợn của không ít cán bộ của Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn.


Mới đây nhất, ngày 18/5/2012, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã thực hiện quyết định khởi tố, bắt tạm giam nguyên Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp &Phát triển Nông thôn Chi nhánh Hồng Hà, ông Đỗ Đức Hưng.
 
 
Cùng bị khởi tố với ông Hưng là bà Đỗ Thị Minh Hiền (nguyên trưởng phòng Tín dụng) và ông Trương Đăng Dần (nguyên phó phòng Tín dụng). Được biết, ông Hưng bị khởi tố về hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ.
 
 
Thông tin ban đầu cho thấy, với quyền hạn của mình, ông Hưng đã ký phát hành nhiều bảo lãnh thanh toán không có hồ sơ, không hạch toán, không thu phí bảo lãnh cho một số doanh nghiệp với số tiền hàng trăm tỷ đồng và hiện số tiền mà các bên liên quan còn nợ nhau khoảng 180 tỷ đồng.


Doanh nghiệp không có tiền, lương thưởng không có trả, hệ lụy kéo theo là cả nghìn cán bộ, công nhân viên cùng với gia đình của họ lâm vào cảnh khó khăn, túng bấn. Tiếp xúc với báo chí, một số doanh nghiệp bất bình cho biết, họ đang "xem lại" niềm tin vào bảo lãnh thanh toán của Agribank.


Trước đó chưa đến chục ngày, một vụ bê bối nghiêm trọng cũng đã phát lộ tại một đơn vị khác của Agribank. Ngày 9/5, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an Thành phố Hà Nội đã thi hành lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Nguyễn Tuấn Anh, nguyên phó Giám đốc Chi nhánh Hà Đông thuộc Tổng Công ty Vàng Agribank về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.
 
 
Thông tin ban đầu, ông Tuấn Anh đã chỉ đạo thuộc cấp lập hợp đồng khống, chiếm đoạt hàng chục lượng vàng của khách hàng đến gửi ở chi nhánh. Số vàng trị giá tiền tỉ này sau đó đã được Tuấn Anh sử dụng vào mục đích cá nhân, mất khả năng thanh toán nên bung bét, vỡ lở.


Động cơ nào khiến ông Hưng rồi ông Tuấn Anh và các thuộc cấp làm như vậy? Việc chiếm đoạt vàng của ông Tuấn Anh thì cơ bản đã rõ. Còn câu chuyện tưởng chừng khó hiểu sau những tờ giấy bảo lãnh kỳ quái của ông Hưng nói trên, thực chất cũng không quá khó để trả lời.
 
 
Dư luận có quyền nhận định và không phải không có lý khi cho rằng, mấu chốt vấn đề cũng chỉ là vì quan hệ, tiền bạc, cũng từ động cơ tham nhũng, trục lợi nên những đối tượng nêu trên đã bất chấp pháp luật, bán rẻ danh dự, nhân phẩm. Tất nhiên, câu trả lời chính thức thế nào, chúng ta còn phải đợi cơ quan điều tra kết luận trong nay mai.


Chỉ trong vòng 10 ngày của tháng 5/2012, 2 vụ án lớn ở Agribank nổ ra gây chấn động dư luận. Còn trước đó, bao nhiêu sự vụ đã nổ ra, bao nhiêu cán bộ, công nhân viên vi phạm bị kỷ luật, bị khởi tố và bị cách ly khỏi cộng đồng vì suy thoái đạo đức, tham ô tham nhũng?
 
 
Câu trả lời là rất khó thống kê hết. Những đối tượng nói trên đã, đang bôi đen lên thương hiệu lớn này. Và điều dư luận lo ngại hơn, đã xuất hiện những đồn đoán về một số “mầm bệnh” đang âm ỉ trong hệ thống của Agribank rất có thể còn bùng phát thêm trong thời gian tới?
 
 
 
 
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
 

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo