Pháp luật

Ai bảo kê cho hầm vàng trái phép trước đồn biên phòng cửa khẩu?

Một hầm vàng được khai thác quy mô lớn, chỉ cách Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y khoảng hơn 1km đường chim bay. Điều đáng nói, đây là khu vực biên giới nhưng lực lượng biên phòng không hề phát hiện.

Vi phạm nghiêm trọng

Hầm vàng nói trên được phát hiện vào tháng 9.2012 tại đồi càphê thuộc thôn Iệc, xã Bờ Y, Ngọc Hồi, Kon Tum. Chủ khai thác hầm vàng này là ông Lê Văn Hoan (trú TP.Kon Tum) và 5 nhân công được thuê từ các tỉnh Thái Nguyên, Thái Bình vào. Khu vực trên được phát hiện có hai hầm, một hầm đào được 10m; một hầm sâu khoảng 37m, rộng 1m, cao 2m và 2 nhánh hầm dạng xương cá, sâu 15m và 5m; các hầm được kè chống kiên cố bằng gỗ. Trong quá trình khai thác, số quặng đất được vận chuyển bằng xe Uoát về kho chứa mỳ Thọ Hương (xã Đắc Sú, Ngọc Hồi) để đập ra tìm vàng.

Sau khi phát hiện, lập biên bản và tịch thu nhiều phương tiện như máy khoan, quạt gió, bóng điện, cuối tháng 12.2012, UBND huyện Ngọc Hồi đã có văn bản gửi UBND tỉnh Kon Tum đề nghị xem xét, xử phạt 80 triệu đồng đối với ông Hoan vì tính chất vụ việc vượt quá thẩm quyền của huyện.

Cũng trong báo cáo xác minh vụ việc của Công an tỉnh Kon Tum có kiến nghị với UBND tỉnh “chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện Ngọc Hồi có biện pháp tổ chức đánh sập hầm lò trong vụ khai thác vàng trái phép nói trên, phòng ngừa các đối tượng tiếp tục khai thác; tăng cường hơn nữa công tác phòng ngừa, tuần tra, xử lý các đối tượng khai thác vàng trái phép trong khu vực biên giới; xử lý nghiêm khắc các cán bộ có hành vi làm ngơ, bao che, tiếp tay cho hoạt động khai thác vàng trái phép”.

Tuy nhiên, qua khảo sát vào cuối tháng 1.2013, chúng tôi không hề thấy hiện trường trên được thu dọn. Dân quân xã Bờ Y vẫn phát hiện những vết đào mới vào ban đêm tại hầm 10m (chưa được niêm phong).

Có bảo kê?

Về vụ việc hầm lò khai thác vàng được làm quy mô nhưng chậm phát hiện, ông Kiều Quốc Tường - Chánh Văn phòng UBND huyện Ngọc Hồi - trao đổi: “Có bảo kê, chứ không thì ai mà vào được! Bữa xã phát hiện ra rồi báo với huyện, nó nằm đối diện với đồn biên phòng”.

Ông Tường cũng cho biết, liên quan đến vụ khai thác vàng này đã có sự thay đổi nhân sự, ông đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã được rút về công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum cuối năm 2012.

Về giải quyết vụ việc, ông Tường cho biết, đang chờ cơ quan tham mưu xử lý hầm. Nếu đánh sập thì sai quy định an ninh biên giới. Hai là đào lấp. Nay tỉnh có văn bản yêu cầu thì giao cho cơ quan chức năng tham mưu gồm đồn biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự huyện. Hiện tại, hiện trường được giao cho dân quân xã Bờ Y canh giữ.

Theo chân người dẫn đường, chúng tôi cũng tìm đến hầm vàng khai thác trái phép vào năm 2010 đã sập- nằm gần chốt biên phòng cột mốc 3 nước Đông Dương. Hầm vàng này nằm cách đường bêtông chỉ khoảng 10m. Tuy nhiên, theo anh A Hiền - Xã đội phó xã Bờ Y - thì khi lực lượng của xã vào, người đào vàng đã bỏ chạy nên không bắt được.

Như vậy, trong khu vực biên giới như ở xã Bờ Y, tình trạng khai thác khoáng sản vẫn có thể xảy ra với quy mô lớn như trên. Và trách nhiệm quản lý lại có thể gắn với chữ “bảo kê” như lời của vị Chánh Văn phòng huyện Ngọc Hồi thì thật khó hiểu!

 

 

Hà Chi (Theo Lao Động)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo