Ai bảo kê, dung túng cho buôn lậu ở Móng Cái, Quảng Ninh?
Vụ việc đang được Bộ Công an tiếp tục điều tra, nhưng những thông tin ban đầu cho thấy, đây là một đường dây buôn lậu cực lớn và có tổ chức bài bản. Cùng với hàng loạt vụ buôn lậu hàng hóa bị bắt trước đó, đường dây này hoạt động như thế nào khi trên tuyến biên giới luôn có sự hiện diện của đông đảo các lực lượng, gồm bộ đội biên phòng và công an, hải quan, quản lý thị trường… địa phương?
Lọt ở “hàng tiền đạo”
Theo đại tá Vũ Thế Vị - Trưởng Công an TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh - gần 100 tấn hàng lậu mà các lực lượng của Bộ Công an bắt giữ vào sáng 2.11 đều nằm trong vành đai biên giới do lực lượng biên phòng quản lý. Cụ thể, khu vực các lực lượng Bộ Công an tóm gọn một số xe tải vừa nhận nhiều kiện hàng lớn từ các thuyền nằm trong địa bàn của lực lượng biên phòng Đồn 5.
Theo điều tra ban đầu, vẫn bằng những thủ đoạn cũ: Các đối tượng buôn lậu đưa hàng bằng thuyền đò từ Trung Quốc về, rồi dùng xe ôtô hoặc xe máy vận chuyển vào kho hàng nằm trên địa phận Móng Cái, sau đó đưa vào sâu trong nội địa. Gần 100 tấn hàng lậu, phần lớn là vải may mặc, đã được chuyển vào kho hàng trong chợ ASEAN. Số hàng trên chủ yếu của Lưu Văn Thắng, trú tại TP.Móng Cái (hiện đang bỏ trốn), chuyên vận chuyển thuê hàng lậu từ Trung Quốc về Việt Nam.
Đây chỉ là một trong rất nhiều các vụ buôn lậu lớn các lực lượng chức năng bắt giữ được tại khu vực vành đai biên giới, hoặc sau khi “lọt” lưới ở tuyến đầu vào trong nội địa.
Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh, trong 10 tháng đầu năm nay, lực lượng này đã kiểm tra, xử lý 401 vụ buôn lậu, trong đó phạt tiền gần 6,4 tỉ đồng, phát mại hàng hóa gần 5,4 tỉ đồng, xử phạt hành chính hơn 1 tỉ đồng. Hàng hóa lậu gồm đủ các loại: Rượu, thuốc lá, hàng điện tử, đồ chơi…
Trong khi đó, theo Cục Hải quan Quảng Ninh, 10 tháng đầu năm nay, các lực lượng hải quan trên toàn tuyến biên giới tỉnh Quảng Ninh đã bắt được 256 vụ buôn lậu các mặt hàng tương tự, với tổng trị giá lên tới 25 tỉ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389) của TP.Móng Cái, từ đầu năm tới nay đã bắt giữ 550 vụ buôn lậu, với tổng giá trị 17,3 tỉ đồng và 56.000 nhân dân tệ. Trong đó, 19 vụ đã bị xử lý hình sự với 15 bị can.
Lọt luôn cả “hàng thủ”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết hàng lậu đều đi qua đường mòn, lối mở. Việc để hàng lậu lọt sâu vào trong nội địa không thể không có trách nhiệm của lực lượng biên phòng - đơn vị được coi như “hàng tiền đạo” của “đội bóng” phòng - chống buôn lậu.
Tuy nhiên, cuộc chiến phòng-chống hàng lậu khó thành công nếu “công” - “thủ” không toàn diện.
Hàng loạt các vụ buôn lậu, trong đó một khối lượng lớn hàng hóa, đi qua tuyến biên giới trên địa bàn Quảng Ninh vào sâu trong nội địa liên tục bị bắt giữ trong thời gian qua.
Ngay lực lượng cảnh sát giao thông Quảng Ninh, trong quá trình xử lý vi phạm giao thông, từ đầu năm tới nay cũng đã bắt giữ được 20 vụ buôn lậu. Hàng chục vụ buôn lậu lớn xuất phát từ Móng Cái đã bị bắt giữ tại Hà Nội và một số tỉnh, thành lân cận.
Đành rằng, hàng lậu “lọt” lưới ngay tuyến đầu, mà nói như một lãnh đạo trong Ban chỉ đạo 389 “chẳng khác gì thả gà ra đuổi”, và rằng, những “chiến công” của các lực lượng trong cuộc chiến phòng-chống hàng lậu là đáng ghi nhận, nhưng thực tế trên khiến dư luận luôn đặt câu hỏi về một phần vai trò của các lực lượng như: Công an, hải quan, quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389… với lực lượng đông đảo, trải dài trên các tuyến đường huyết mạch.
Vụ các lực lượng Bộ Công an vây bắt đường dây buôn lậu “khủng” sáng 2.11 một lần nữa đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò của các lực lượng chức năng. Lực lượng biên phòng ở đâu khi hàng trăm tấn hàng lậu ồ ạt tràn qua biên giới? Vì sao các kho hàng lậu vẫn ngang nhiên tồn tại giữa các khu chợ sầm uất?
“Hiện giờ chúng tôi chưa thể trả lời được điều gì. Sau này sẽ phải phân tích, mổ xẻ xem trách nhiệm của ai, cơ quan nào trong vụ này” - ông Nguyễn Cảnh Thắng - Thường trực Ban 389 TP.Móng Cái - cho biết.
“Bộ vào cuộc vì địa phương bắt không xuể…”
Trung tướng Trần Đình Nhã - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội - cho biết, không phải Bộ Công an về mới bắt được buôn lậu, mà địa phương cũng bắt nhiều vụ, chỉ có điều bắt không xuể. Bộ Công an vào cuộc là do những vụ đó lớn, những vụ mà Bộ Công an đã theo dõi từ lâu, bởi trong lực lượng “đánh” buôn lậu đều có từ địa phương cho đến bộ, nhưng được phân công theo tuyến, theo địa bàn và được phân công từng vụ việc chứ không phải do địa phương không làm được mà phải để bộ làm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo