Quốc tế

Ai Cập "nóng mặt" vì tượng nhân sư “nhái” xuất hiện ở Trung Quốc

Một bức tượng nhân sư “nhái” y thật xuất hiện ở Trung Quốc đã khiến giới chức Ai Cập nổi giận và lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh phải dỡ bỏ tác phẩm giả mạo này.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ai Cập về bức tượng nhân sư bắt đầu từ năm 2014 khi bức tượng cao 20 m, dài 60 m xuất hiện ở một công viên văn hóa tại Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, theo trang tin Trung Quốc Guancha.cn. Đây là bức tượng “nhái” hệt công trình nổi tiếng toàn cầu đã có tuổi đời 4.000 năm nay, nằm trên cao nguyên Giza trên bờ phía tây của sông Nile.

Cairo khi đó đã rất bức xúc về hành động trên của Trung Quốc. Họ đã gửi đơn lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đề nghị dỡ bỏ bức tượng vì đó là tác phẩm giả mạo và đã được dựng lên mà không được cấp phép.

Tượng nhân sư "nhái" ở Trung Quốc (Ảnh: News.163.cn).

Vào thời điểm đó, giám đốc của công viên văn hóa trên cho biết tượng nhân sư được xây để làm bối cảnh cho một bộ phim truyền hình và sẽ bị dỡ bỏ khi việc quay phim hoàn tất. Cho đến năm 2016, bức tượng vẫn chưa bị phá đi và các công nhân chỉ gỡ bỏ đầu của bức tượng ra khỏi thân.

Phần còn lại của bức tượng đã nằm trong làng văn hóa thêm 2 năm nữa cho đến tháng trước, khi các du khách phát hiện ra các công nhân lại tiếp tục mang đầu tượng nhân sư ra gắn vào thân. Khi Cairo biết thông tin bức tượng nhân sư giả mạo tiếp tục được xây dựng, giới chức Ai Cập đã rất bất bình.

Cơ quan chức năng Cairo tiếp tục nộp đơn kiến nghị lên UNESCO và cho biết họ có kế hoạch liên hệ với Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu bức tượng phải được dỡ bỏ vĩnh viễn. Các quan chức cho biết việc bức tượng nhân sư "nhái" xuất hiện ở Trung Quốc giống một “sự xúc phạm” tới di sản văn hóa của Ai Cập.

Tượng Nhân sư sao chép không phải là công trình kiến trúc đầu tiên tại Trung Quốc nhái các công trình nổi tiếng trên thế giới.

Trước đó, hàng loạt công trình lừng danh thế giới cũng bị làm nhái tại Trung Quốc như Tháp Eiffel (Pháp), Nhà Trắng (Mỹ), đền Taj Mahal (Ấn Độ), Tượng Chúa cứu thế (Brazil)...

 

Nên đọc
Theo Dân trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo