Pháp luật

Ai cứu các BV công ở Hòa Bình?- Kỳ 1: Giám đốc BV Đa khoa Lương Sơn tiết lộ các loại "bệnh"

Ngành y hiện đang được nhiều người coi là ngành "danh giá”, mức thu nhập “khủng”, với việc đặt trọn niềm tin vào các bác sỹ của người bệnh. Tuy nhiên, tại một số bệnh viện công của tỉnh Hòa Bình, các nhà quản lý và đội ngũ y bác sỹ lại đang có những trăn trở về việc "tồn tại hay không tồn tại”, với những bất cập trong việc điều hành, quản lý từ phía các nhà lãnh đạo…

Hiện nay trên khắp cả nước, việc Sở Y tế các tỉnh thực hiện việc đấu thầu tập trung các mặt hàng như dược, vật tư y tế, hóa chất cung cấp cho các bệnh viện đang được triển khai rất tốt.

Tuy nhiên, tại tỉnh Hòa Bình, trong cả quy trình thầu tập trung này, cũng có nhiều vấn đề bất cập nảy sinh, trong đó quan trọng nhất là giá thuốc, vật tư y tế, hóa chất bị “đội” lên khá nhiều, nhiều mặt hàng các bệnh viện đề nghị nhưng lại không được cung cấp với lý do “không trúng thầu”…

Hệ lụy của việc này là nhiều máy móc thiết bị phục vụ bệnh nhân của các bệnh viện là máy “đóng” (tức là chỉ sử dụng được đúng một loại hóa chất chuyên biệt) trị giá hàng chục cho đến cả trăm triệu đồng phải "đắp chiếu".

Giải pháp rất không được các y bác sỹ đồng tình là bệnh viện phải mượn máy móc, thiết bị của nhà thầu đã trúng thầu cung cấp hóa chất để phục vụ bệnh nhân trong khi máy của bệnh viện thì không sử dụng và cũng chỉ có thể mượn được 01 năm, đến khi đấu thầu cung cấp vật tư y tế, hóa chất của năm sau, nếu hóa chất mà bệnh viện yêu cầu trúng thầu thì bệnh viện mới có thể sử dụng được máy móc của mình.

Nghịch lý trên đang xảy ra tại một số bệnh viện của tỉnh Hòa Bình, một trong những tỉnh miền núi phía Bắc được đầu tư khá nhiều các trang thiết bị hiện đại từ các dự án.

Bệnh viên ĐK huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình.

Theo phản ánh của một số y bác sỹ công tác tại tỉnh Hòa Bình, trong những năm vừa qua, kể từ khi xóa bỏ hình thức các bệnh viện tự mời thầu để cung cấp thuốc, vật tư y tế, hóa chất phục vụ công tác khám chữa bệnh, thay thế bằng hình thức đấu thầu tập trung do Sở Y tế thực hiện, đã có những bất cập.

Tại một bệnh viện của tỉnh Hòa Bình, giá một số mặt hàng là hóa chất, vật tư y tế có sự chênh lệch nhau rõ rệt giữa giá bệnh viện tự chào thầu cho các nhà thầu cung cấp và giá mà Sở Y tế áp dụng, có những mặt hàng tăng giá gấp 2, gấp 5 lần.

Cụ thể trong năm 2014 (bệnh viện tự chào thầu và thực hiện đấu thầu) và năm 2015, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình chào thầu và đấu thầu, giá đã tăng rất bất thường.

Cùng một chủng loại là chai nuôi cấy máu trẻ em Bact/ALERT BF (loại 100 chai/1 hộp) giá bệnh viện là 138 ngàn đồng, giá Sở Y tế là 224.160 đồng; PT RGT PT – Fibrinogen (10x8ml) giá của bệnh viện là 40.530 đồng, giá của Sở Y tế Fibrinogen (10x6ml) là 372.345 đồng…và còn nhiều danh mục khác cũng tăng khá cao.

Bảng so sánh giá thuốc một bệnh viện tự đấu thầu năm 2014 và giá thuốc Sở Y tế đấu thầu năm 2015.

Trao đổi với PV báo Pháp luật và Xã hội, bác sỹ Hoàng Văn Cứu, Giám đốc bệnh viện đa khoa Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình cho biết: “Đấu thầu tập trung cũng có nhiều mặt tích cực như đảm bảo được mặt bằng giá chung cho tất cả các bệnh viện, các bệnh viện không phải thành lập một ban chuyên về chào thầu, xét thầu mất thời gian và công sức.

 

Tuy nhiên, nó có những bất lợi như khi các bệnh viện đề đạt yêu cầu cung cấp thuốc hay vật tư y tế, hóa chất, nhiều bệnh viện không được đáp ứng đúng chủng loại, với lý do là danh mục họ đề xuất lại không trúng thầu nên phải thay bằng một loại khác tương đương.

Đối với những máy “mở”, tức là máy có thể cho phép thay thế hóa chất A bằng một loại hóa chất tương đương thì còn có thể chấp nhận được. Nhưng nếu với những loại máy ‘đóng”, tức là máy loại A thì phải đúng hóa chất A cho vào mới hoạt động được, nếu như bệnh viện đề xuất, khi Sở Y tế tổ chức đấu thầu mà loại đó không trúng thầu thì đúng là máy phải tạm dừng hoạt động. Tôi cũng đã được nghe một số anh em phản ánh có tình trạng này ở một số bệnh viện tuyến dưới.

Có nhiều lý do để việc yêu cầu một đằng cung cấp một nẻo. Đôi khi là sự cố trong đấu thầu, nhưng nhiều danh mục, giá phê duyệt của Sở Y tế lại rất thấp, thấp đến mức không có nhà thầu nào có thể cung cấp được.

Cụ thể như một nhà thầu cung cấp gần 100 mặt hàng, họ sẵn sàng để 10 mặt hàng lỗ, 10 mặt hàng hòa, còn lại 80 mặt hàng khác là lãi, họ sẽ lấy phần lãi bù vào phần lỗ, và vì như vậy sẽ có những mặt hàng giá rất thấp.

Đây là "nghiệp vụ" của các đơn vị đi đấu thầu, người phê duyệt giá phải biết những tiểu xảo này, và phải thẩm định giá thật chuẩn chứ không đơn giản là lấy giá thấp nhất của nhà thầu đang có lãi kia, sẵn sàng bù giá để áp cho các nhà thầu khác, khi quá thấp không đơn vị nào cung cấp được thì đương nhiên bệnh viện phải dùng hóa chất tương đương (đã trúng thầu và nếu máy mở) và sẽ không có hóa chất dùng (nếu máy đóng).

 

Nhiều bệnh viện không có máy móc tương thích với hóa chất của nhà thầu cung cấp, thì sẽ phải mượn máy của nhà thầu để chạy phục vụ bệnh nhân, còn máy của mình thì để đấy, gây nêm tình trạng lãng phí máy móc. Mà nhiều khi chính người phê duyệt giá cũng không biết trên thị trường cái loại vật tư, hóa chất ấy nó có giá bao nhiêu…”

Bác sỹ Cứu chia sẻ thêm: “Trước đây, khi các bệnh viện tự đấu thầu, thì đương nhiên họ sẽ biết mình cần chủng loại thuốc nào, vật tư y tế, hóa chất nào để phù hợp với công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện. Đồng thời cũng biết rõ đơn vị cung cấp nào có thể cung cấp được các mặt hàng đó với mức giá tốt nhất. Nếu tự đấu thầu, các bệnh viện có thể mua được giá thấp, khi phục vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT thì được BHYT chi trả, những khoản BHYT không chi trả bệnh nhân phải tự trả, cũng còn gọi là có một chút lãi, để thêm vào đồng lương vốn ít ỏi của cán bộ y tế.

Còn bây giờ, Sở Y tế đang thực hiện đấu thầu tập trung, nếu phải mua vật tư y tế, hóa chất với giá cao, thực hiện dịch vụ kỹ thuật xong không được thu thêm tiền của bệnh nhân, thì đương nhiên bệnh viện “lỗ”…, tức là nhân viên y tế, các y bác sỹ ngoài lương sẽ không có bất cứ khoản thưởng hay bù đắp dù là ít ỏi. Chính vì vậy, tại một số bệnh viện,nhiều bác sỹ có tay nghề cao đã bỏ việc, chuyển sang làm việc tại các phòng khám tư nhân…”

Nên đọc
Theo báo PL&XH
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo