Pháp luật

Ai để "lọt lưới" đường dây vận chuyển gỗ sưa tiền tỷ sang Trung Quốc?

Một vụ án đặc biệt nghiêm trọng nhưng Công an tỉnh Hà Nam lại bất ngờ “tạm đình chỉ vụ án” khi thu được tiền và không có ai bị xử lý hình sự.

Gỗ sưa hơn 10 tỷ đồng được vận chuyển trót lọt

Ngày 26/9/2011, ông Nguyễn Đình Thi ở xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên (Hà Nam) mua 01 cây sưa (huê) trị giá 6,6 tỷ đồng của ông Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1976, trú tại số 8/55 đường Phùng Khắc Khoan, TP.Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa).

Ngày 04/10/2011, ông Thi bán cây sưa trên cho ông Wang De Bao (Quốc tịch Trung Quốc) với giá 11,2 tỷ đồng. Để tiện cho việc vận chuyển qua cửa khẩu cây gỗ sưa trên, ông Bao mua thêm 4 cây gỗ hương để “ngụy trang” cho việc vận chuyển cây gỗ sưa.

Tại giấy biên nhận bán cây ngày 04/10 giữa ông Thi và ông Bao ghi rõ: ông Thi bán cho ông Bao 5 cây gỗ bao gồm hương+trắc theo Giấy phép đặc biệt số 08/GP-KL ngày 15/9/2011. Ông Thi có trách nhiệm làm thủ tục xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc cho ông Bao. Sau khi nhập khẩu sang Trung Quốc, ông Bao phải thanh toán cho ông thi nốt số tiền còn lại (9,1 tỷ đồng).

Thỏa thuận giữa ông Bao và ông Thi trong việc vận chuyển trái phép 05 cây gỗ trị giá 11,2 tỷ đồng (1 cây gỗ sưa trị giá 10,2 tỷ đồng) qua biên giới để sang Trung Quốc.

Để vận chuyển 5 cây gỗ (1 cây sưa) sang Trung Quốc, ngày 04/10/2011, ông Thi thuê bà Phùng Thị Kim Oanh (tên gọi khác là Ngô Ngọc Diệp), sinh năm 1977, thường trú tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) trực tiếp vận chuyển cây từ Hà Nam sang Trung Quốc trên 02 xe ô tô với giá 500 triệu đồng.

Khi bà Oanh vận chuyển 1cây sưa+4 cây gỗ hương, trắc đến Cửa khẩu Quốc tế Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) thì không qua được cửa khẩu vì giấy phép hết hạn. Sau khi biết sự việc, ông Bao (đang ở Hà Nam) điện cho người nhà từ Trung Quốc qua nhận 5 cây gỗ và đưa sang Trung Quốc qua cửa khẩu Na Hình, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn).

Khi cây về đến Trung Quốc, người nhà ông Bao thông báo đã nhận đủ hàng, ông Bao chuyển trả nốt số tiền (9,1 tỷ đồng) cho vợ chồng ông Thi thông qua Ngân hàng Nông nghiệp&PTNT huyện Duy Tiên (Hà Nam).

03 ngày sau khi đã nhận cây sưa và chuyển trả đủ số tiền, gia đình ông Bao phát hiện cây gỗ sưa... giả nên đã vận chuyển ngược trở lại Việt Nam. Số cây này được để tại xóm Cốc Nam, xã Tân Mỹ (Văn Lãng – Lạng Sơn). Ngày 18/10/2011, ông Bao đã làm đơn tố cáo ông Thi đến Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Hà Nam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 10/1/2012, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam ra Quyết định số 04 khởi tố vụ án hình sự về tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đến ngày 17/1/2012, Cơ quan CSĐT –CA tỉnh Hà Nam ra Quyết định số 01 thu giữ số tiền 9,18 tỷ đồng và tiền lãi phát sinh tại Ngân hàng Nông nghiệp&PTNT huyện Duy Tiên.

"Lọt lưới" cả đường dây?

Đến ngày 23/3/2012, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam ra quyết định trả lại số tiền 9,3 tỷ đồng cho ông Bao. Đến ngày 10/1/2013, Cơ quan CSĐT ra Quyết định số 02/PC45 Tạm đình chỉ vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” cho đến nay.

Điều đáng ngạc nhiên, tính đến nay, trong vụ án không có ai bị khởi tố hình sự hoặc xử phạt hành chính về tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới được quy định tại Điều 154 Bộ luật Hình sự.

Quyết định thu giữ số tiền 9,1 tỷ đồng của Công an tỉnh Hà Nam.

Tại Văn bản số 918/PC45 ngày 19/11/2012 của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam ghi rõ: Theo giấy biên nhận bán cây giữa ông Thi và ông Bao thì ông Thi là người có trách nhiệm xuất cây sang Trung Quốc, khi giao nhận cây sang Trung Quốc, ông Bao đang ở nhà ông Thi để có trách nhiệm giao nốt số tiền 9,1 tỷ đồng cho vợ ông Thi; Khi liên hệ mua bán cây vào ngày 3,4/10/2011, ông Bao đã đặt cọc trước cho ông Thi 2,2 tỷ đồng, ngày 07/10/2011, sau khi biết tin gia đình bên Trung Quốc đã nhận được cây, ông Bao mới trả nốt số tiền 9,1 tỷ đồng cho vợ ông Thi…

Tại Công văn số 608/VKS-P1 ngày 03/5/2013 của Viện KSND tỉnh Hà Nam ghi rõ: Đến ngày 07/10/2011, ông Bao nhận được thông tin gia đình đã nhận được số cây gỗ mua của ông Thi nên đã đến Ngân hàng Nông nghiệp&PTNT huyện Duy Tiên làm thủ tục rút số tiền 9,1 tỷ đồng để trả cho bà Huệ (vợ ông Thi).

“Tài liệu điều tra cũng xác định ngày 04/10/2011, ông Thi và chị Phùng Thị Kim Oanh cùng với anh Nguyễn Minh Đạo, sinh năm 1980, trú tại thôn Yên Mỹ, xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên là người trực tiếp vận chuyển 5 cây gỗ từ thôn Điện Biên, xã Chuyên Ngoại đến cửa khẩu Quốc tế Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) với mục đích đưa cây gỗ sang Trung Quốc. Do không thực hiện được thủ tục xuất khẩu nên ngày 07/10/2011, chị Oanh đã giao 5 cây gỗ cho đối tượng (chưa xác định được tên, tuổi, địa chỉ) ở gần cửa khẩu Na Hình. Trong suốt thời gian ông Thi, chị Oanh và ông Đạo vận chuyển 5 cây gỗ đi Lạng Sơn thì ông Wang De Bao ở tại huyện Duy Tiên để chờ thông báo việc nhân cây từ gia đình ở Trung Quốc và thanh toán số tiền 9,1 tỷ đồng… Kết quả điều tra đến nay chưa xác định được có hay không việc vận chuyển 5 cây gỗ qua Cửa khẩu Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại…”(?!), Công văn số 608/VKS-P1 ngày 03/5/2013 của Viện KSND tỉnh Hà Nam.

Quyết định tạm đình chỉ vụ án có nhiều dấu hiệu

Trong quá trình làm việc với Cơ quan điều tra, ông Thi có nộp cho Điều tra viên Đinh Văn Khảng bản chính Phiếu thu tiền ngày 07/10/2011 của Công ty TNHH MTV Cứu hộ Việt Hoàn (đơn vị đã cẩu 05 cây từ xe 89K-1756 sang xe Trung Quốc Biển kiểm sát 5023 tại bãi Na Hình (Lạng Sơn). Làm việc với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đinh Mạnh Tuyển, Kiểm sát viên, Viện KSND tỉnh Hà Nam xác nhận có Phiếu thu này trong hồ sơ vụ án.

Luật sư Nguyễn Mạnh Cường, Văn phòng Luật sư Long Cường cho rằng: Từ những căn cứ trên có đủ bằng chứng có một đường dây vận chuyển gỗ sưa trái phép qua biên giới. Ông Wang De Bao có căn cứ là “chủ mưu” khi chỉ đạo người nhà từ Trung Quốc sang Việt Nam vận chuyển 5 cây gỗ qua cửa khẩu Na Hình. Khi người nhà ông Bao nhận được đủ cây và thông báo về Việt Nam thì ông Bao mới trả nốt số tiền 9,1 tỷ đồng cho vợ ông Thi. Có nghĩa là chắc chắn 05 cây gỗ đã được vận chuyển trót lọt qua biên giới và sau đó là vận chuyển quay ngược lại Việt Nam. Những người tham gia vận chuyển gỗ bao gồm: Wang De Bao (Quốc tịch Trung Quốc), Nguyễn Đình Thi, Phùng Thị Kim Oanh (tên gọi khác là Ngô Ngọc Diệp), người nhà ông Bao và các nhân viên hải quan Cửa khẩu Na Hình (Văn Lãng – Lạng Sơn).

Việc vận chuyển hàng trái phép có trị giá 11,2 tỷ đồng từ Việt Nam sang Trung Quốc rồi lại từ Trung Quốc về Việt Nam đã cấu thành tội Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới được quy định tại Điều 154 Bộ luật Hình sự. Đây là một trường hợp rất nghiêm trọng, phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can để tiến hành điều tra. Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam không khởi tố vụ án hình sự là vi phạm Điều 294 Bộ luật Hình sự về Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội…”, Luật sư Cường phân tích.

Làm việc với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 14/11/2014, ông Phan Anh Minh, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam cho rằng: "Những người tham gia vận chuyển trên đất Việt Nam, khi đến đất Lạng Sơn thì họ không tham gia vận chuyển tiếp. Đấy cũng chỉ là lời khai một phía, nó chưa đầy đủ căn cứ để khẳng định chắc chắn rằng có việc vận chuyển gỗ sưa qua biên giới nên Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát chưa đặt vấn đề khởi tố, xử lý những đối tượng vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới…”.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Theo Giáo dục Việt Nam
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo