Quốc tế

Âm mưu xâm lược nước ta của Tần Thủy Hoàng và cái giá phải trả

Nhà Tần là một trong những triều đại hùng mạnh nhất của chế độ phong kiến phương Bắc từng đem quân xâm lược nước ta, nhưng cuối cùng bị đánh cho tan tác.

Sau hàng thế kỷ bị chia cắt, cát cứ, năm 221 TCN, nước Tần đã tiêu diệt được các thế lực khác thời Chiến quốc gồm Tề, Sở, Yên, Hàn, Triệu, Ngụy, thống nhất Trung Quốc. Tần Doanh Chính lên ngôi lấy hiệu là Tần Thủy Hoàng, lập ra nhà nước phong kiến đầu tiên ở Trung Quốc và trên thế giới.

Bành trướng lãnh thổ

Để thực hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ, Tần Thủy Hoàng không ngừng đem quân xâm lược khắp nơi. Về phía Bắc, họ xâm chiếm Hung Nô, và cho quân xâm chiếm vùng đất của người Việt ở phía Nam.

Cuộc chiến tranh xâm lược đất đai của người Việt đã được sách chính sử của Trung Quốc như Sử ký Tư Mã Thiên, Hoài Nam Tử của Lưu An ghi chép.

Theo sách Hoài Nam Tử, sau một thời gian chuẩn bị, năm 218 TCN, Tần Thủy Hoàng sai hiệu úy Đồ Thư mang 50 vạn quân, chia làm 5 đạo xâm chiếm nước ta. Để cuộc hành quân nhanh chóng, nhà Tần cử tướng Sử Lộc phụ trách việc xây dựng, sửa chữa đường, vận chuyển lương thực.

Dưới sự chỉ huy của Đồ Thư, quân Tần không quản ngại khó khăn. Trong 3 năm (218-215 TCN) kể từ khi xuất quân, đội quân xâm lược vừa phải đào kênh, vừa phải đối phó cuộc chiến đấu của người Việt, nên “ba năm không cởi giáp dãn nỏ”.

Tần Thủy Hoàng đã thất bại khi đưa quân xâm lược Bách Việt.

Sau đó, nhờ có kênh Linh Cừ, quân Tần tiến vào lưu vực Tây Giang là địa bàn người Tây Âu, giết chết một tù trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống. Quân Tần tiếp tục truy kích, nhưng vấp phải sự chống cự quyết liệt. Người Việt thường xuyên tiến hành những cuộc tập kích bất ngờ và dùng cung nỏ bắn tỉa, làm rất nhiều quân Tần thương vong.

Sau khi thủ lĩnh Dịch Hu Tống tử trận, người Việt suy tôn Thục Phán, vốn là một thủ lĩnh của người Tây Âu trên địa bàn phía Bắc nước Văn Lang lúc bấy giờ làm thủ lĩnh để chống Tần.

Kiên cường kháng chiến, đánh tan giặc mạnh

Dưới sự chỉ huy của Thục Phán, người Việt vào rừng, không ai chịu để cho quân Tần bắt. Đây là cuộc chiến đấu kiên cường, thông minh và có tổ chức. Người Việt đã biết tận dụng địa hình núi rừng để kiên trì kháng chiến lâu dài, đánh nhỏ, đánh ban đêm nhằm tiêu hao quân địch, triệt nguồn lương thực của giặc.

Cuộc kháng chiến mưu trí, bền bỉ của người Việt đã làm cho quân Tần rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Quân giặc càng ngày càng bị dồn vào tình trạng căng thẳng, đến tuyệt vọng.

 

Sử ký Tư Mã Thiên chép: Quân Tần “đóng binh ở đất vô dụng, tiến không được, thoái không xong. Đàn ông mặc áo giáp, đàn bà phải chuyên chở, khổ không sống nổi. Người ta phải thắt cổ trên cây dọc đường. Người chết chồng nhau”.

Lúc đó, người Việt mới tập hợp lực lượng, tổ chức đánh lớn nhằm tiêu diệt sinh lực địch, đập tan cuộc xâm lược của quân Tần, giết được Đồ Thư. Cũng theo sách Hoài Nam Tử, những tổn thất của quân Tần rất to lớn. Năm 208 TCN, nhà Tần dưới sự trị vì của Tần Nhị Thế, buộc phải bãi binh.

Cuộc chiến tranh xâm lược Bách Việt của nhà Tần kéo dài 10 năm (218-208 TCN). Một lực lượng đông đảo người Việt đã tham gia kháng chiến, góp phần tiêu diệt được đạo quân hùng mạnh của nhà Tần.

Theo các nhà sử học hiện nay, chiến thắng này là mốc son đầu tiên trong cuộc đấu tranh dựng và giữ nước của dân tộc ta.

Âm mưu xâm lược thất bại, quân Tần rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, sau khi Tần Thủy Hoàng chết đã nhanh chóng sụp đổ vào năm 206 TCN.

 

Sau khi đánh bại quân Tần, Thục Phán lên ngôi lấy hiệu là An Dương Vương, đặt quốc hiệu là Âu Lạc, đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội ngày nay). Các nguồn tài liệu đến nay chứng tỏ, nước Âu Lạc tồn tại trong khoảng 30 năm, cho đến khi bị nhà Triệu đánh úp và sụp đổ vào năm 179 TCN.

Nên đọc
Theo Zing
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo