Án bị ngâm vì… thẩm phán hết nhiệm kỳ
Ngày 5-11, ông Huỳnh Ngọc Thanh, Viện trưởng VKSND huyện Tuy An (Phú Yên), cho biết vừa kiến nghị TAND huyện này đưa vụ án Phạm Văn Ka gây tai nạn giao thông ra xử sơ thẩm do đã vi phạm thời hạn xét xử. Trước đó, tháng 3-2014, VKSND huyện Tuy An cũng đã kiến nghị nội dung tương tự nhưng tòa vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử.
Theo hồ sơ, Phạm Văn Ka điều khiển xe khách 77H-5379 chạy không đúng phần đường quy định, gây tai nạn với hai ô tô khác trên quốc lộ 1 đoạn qua huyện Tuy An ngày 23-1-2011. Vụ tai nạn làm ông Nguyễn Ngọc Tâm (42 tuổi, ngụ thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ, Bình Định) bị thương tích 91%.
Ngày 16-5-2012, TAND huyện Tuy An xử sơ thẩm, phạt Ka ba năm tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Về dân sự, tòa buộc ông Trần Thanh, chủ xe khách 77H-5379, phải bồi thường cho ông Tâm 60 triệu đồng; mỗi tháng ông Thanh phải cấp dưỡng cho ông Tâm 4 triệu đồng, chi phí cho người chăm sóc ông Tâm 3 triệu đồng, thời gian cấp dưỡng, chi phí cho người chăm sóc từ tháng 2-2011 cho đến khi ông Tâm qua đời.
Sau khi có kháng cáo của bị cáo, người bị hại, ngày 9-8-2012, TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Sau khi điều tra lại, VKSND huyện Tuy An đã chuyển hồ sơ cùng cáo trạng sang tòa. Tuy nhiên, đến nay TAND huyện Tuy An vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử.
Ông Huỳnh Ngọc Thanh cho hay sau khi VKSND huyện Tuy An có kiến nghị lần thứ nhất, TAND huyện này có quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 2-7, do Thẩm phán Lê Văn Phể (Phó Chánh án TAND huyện) làm chủ tọa phiên tòa. Tuy nhiên, gần đến ngày mở phiên tòa, TAND huyện Tuy An ra thông báo hoãn phiên tòa với lý do thẩm phán - chủ tọa phiên tòa được phân công xét xử vụ án này đã hết nhiệm kỳ thẩm phán từ ngày 30-6 nên không thể tiến hành tố tụng.
“VKS đã có cáo trạng truy tố từ lâu nhưng TAND huyện đã vi phạm nghiêm trọng về thời hạn xét xử. Theo quy định, sau khi nhận hồ sơ, trong thời hạn 60 ngày tòa phải đưa ra xét xử; còn việc hoãn phiên tòa cũng không được quá 30 ngày kể từ ngày hoãn. Lẽ ra khi thẩm phán được phân công đã hết nhiệm kỳ thì chánh án phải phân công cho thẩm phán khác xét xử. Thế nhưng tòa đã để vi phạm thời hạn quá lâu” - ông Thanh nói.
Vừa qua, ông Phể đã được tái bổ nhiệm thẩm phán nhưng vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử. Trả lời phóng viên, ông Lê Văn Phể nói do chánh án không biết ông hết nhiệm kỳ thẩm phán nên mới phân công vụ án cho ông. “Vụ án này phức tạp nên mới kéo dài như vậy” - ông Phể nói thêm.
Ngắc ngoải chờ bồi thường
Theo bà Đỗ Thị Duyên, vợ ông Nguyễn Ngọc Tâm (người bị hại của vụ án), hơn hai năm qua gia đình bà liên tục gửi đơn yêu cầu TAND huyện Tuy An đưa vụ án ra xét xử, giải quyết bồi thường để bà có tiền điều trị thương tật cho chồng. “Từ khi anh Tâm xuất viện vào đầu năm 2011 đến nay, gia đình tôi phải vay mượn khắp nơi để có tiền mua thuốc điều trị cho chồng. Trong khi đó, các chủ xe, người gây tai nạn đều bỏ mặc nạn nhân, không một lần đến thăm hỏi chồng tôi sống chết thế nào. Bây giờ gia đình tôi đã hoàn toàn kiệt quệ, thương tật của chồng tôi ngày càng nặng hơn” - bà Duyên nói.
Do cột sống bị gãy, phần lớn thần kinh bị liệt nên ông Tâm chỉ ngồi một chỗ trên xe lăn, mọi sinh hoạt phải nhờ người khác giúp đỡ. Hơn hai năm qua, bà Duyên phải nghỉ làm, ở nhà chăm sóc chồng và nuôi hai con nhỏ đang đi học. Gia đình bà Duyên là hộ nghèo đặc biệt khó khăn nên không nơi nào cho vay. Ngay cả căn nhà cấp bốn bà cũng đã thế chấp vài chục triệu đồng từ mấy năm nay để lấy tiền mua thuốc. “Mấy tháng nay do không có tiền mua thuốc nên nhiều chỗ trên người chồng tôi bị lở loét. Nhìn chồng như vậy, tôi đau đứt ruột nhưng không thể đi làm thuê kiếm tiền mua thuốc vì ở nhà không ai lo cho anh ấy. Do quá bức bách, có lần gia đình tôi đề nghị chủ xe gây tai nạn ứng tiền để chữa trị thương tật cho chồng tôi thì họ nói chờ tòa án xử rồi tính sau” - bà Duyên nói trong nước mắt.
End of content
Không có tin nào tiếp theo