Pháp luật

Án chung thân cho bầu Kiên?

Theo nhận định của Luật sư Hà Thị Thanh, Nguyễn Đức Kiên có thể phải nhận án tù chung thân. Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết, trong quá trình điều tra, ông Kiên có thái độ ngoan cố, khai báo quanh co, né tránh trách nhiệm, ngụy biện đổ lỗi cho người khác, không thành khẩn...

“Bầu Kiên” ngoan cố, quanh co chối tội...

Sau khi vào cuộc điều tra, thu thập chứng cứ và lấy lời khai của các bị can, Cơ quan CSĐT Bộ Công an nhận xét: Vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng bọn phạm tội Kinh doanh trái phép, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trốn thuế, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm nghiêm trọng là vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, với thủ đoạn hoạt động phạm tội rất tinh vi, liên quan đến nhiều đối tượng giữ vị trí quan trọng của Ngân hàng nên mức độ ảnh hưởng của vụ án rất rộng, được dư luận quan tâm.
 
Bị can Nguyễn Đức Kiên là người có hiểu biết sâu về lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Kiên đã lợi dụng những thiếu sót của Nghị định 52 của Chính phủ về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các quy định của Ngân hàng Nhà nước về kinh doanh vàng, quy định về cơ chế điều hành lãi suất trong từng thời điểm... để thực hiện các hành vi phạm tội.
 
Hành vi của Nguyễn Đức Kiên là đặc biệt nghiêm trọng, cần phải nghiêm trị trong quá trình truy tố, xét xử.
 
Nguyễn Đức Kiên đã thành lập nhiều công ty nhưng không tổ chức hoạt động kinh doanh theo đúng chức năng kinh doanh đã được đăng ký và được cấp phép mà chủ yếu là làm thủ tục để phát hành trái phiếu rồi ép bán cho ngân hàng lấy tiền đầu tư vào các Ngân hàng TMCP khác nhằm tăng cổ phiếu, cổ phần của các nhân và người thân trong gia đình Kiên tại nhiều ngân hàng TMCP. Hành vi của Nguyễn Đức Kiên đã ảnh huởng xấu nghiêm trọng đến việc điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước.
 
Một số hành vi thao túng ngân hàng, sở hữu chéo do chưa được pháp luật điều chỉnh nên chưa có chứng cứ để xử lý hình sự đối với Kiên. Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, có đủ cơ sở chứng minh Nguyễn Đức Kiên phạm 4 tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trốn thuế, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm nghiêm trọng.
 
Trong đó, Nguyễn Đức Kiên là đối tượng chính, chủ mưu chỉ đạo mọi hoạt động phạm tội, có sự giúp sức đắc lực của các bị can Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc, Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, nguyên Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB trong thực hiện hành vi cố ý làm trái và Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến trong việc thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
 
Trong quá trình điều tra, Nguyễn Đức Kiên có thái độ ngoan cố, khai báo quanh co, né tránh trách nhiệm, ngụy biện đổ lỗi cho người khác, không thành khẩn. Kiên chỉ thừa nhận những sai phạm cụ thể nhưng khi áp vào các điều luật thì chối tội. Hành vi của Kiên là đặc biệt nghiêm trọng, cần phải nghiêm trị trong quá trình truy tố, xét xử.
 
“Bầu Kiên” có thể phải lĩnh án tù chung thân?
 
 
Liên quan đến vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm nói trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hà Thị Thanh (Giám đốc Công ty Luật Song Thanh, Hà Nội).
 
Phóng viên: Thưa Luật sư, với việc phạm vào 4 tội danh nói trên (Kinh doanh trái phép; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Trốn thuế và Cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng), bị can Nguyễn Đức Kiên có thể phải chịu án phạt như thế nào?
 
LS Hà Thị Thanh: Theo như thông tin thì tôi được biết, những hành vi vi phạm của ông Nguyễn Đức Kiên có giá trị tài sản (định lượng) rất lớn, lên đến hàng trăm tỷ đồng. Như vậy, rất nhiều khả năng ông Kiên sẽ bị truy tố với khung hình phạt nặng nhất của 04 tội danh này, cụ thể như sau:
 
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ Luật Hình sự (BLHS) có mức hình phạt cao nhất là tù chung thân; Tội kinh doanh trái phép theo quy định tại Điều 159 BLHS có mức hình phạt cao nhất là 2 năm tù giam; Tội Trốn thuế theo quy định tại Điều 161 BLHS có mức hình phạt cao nhất là mười lăm năm tù giam;Tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 165 BLHS có mức hình phạt cao nhất là hai mươi năm tù giam.
 
Áp dụng quy định về tổng hợp hình phạt tại Điều 50 BLHS thì ông Kiên có thể phải chịu án phạt tù chung thân đối với 4 loại tội danh trên đây.
 
Ngoài ra, ông Kiên có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền. Tuy nhiên, ông Kiên cũng có thể sẽ được nhận án phạt nhẹ hơn nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trong những vụ án kinh tế như thế này thì việc khắc phục hậu quả luôn được cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá cao, được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có ý nghĩa quan trọng trong việc kết luận tội phạm và quyết định hình phạt.
 
Phóng viên: Các bị cáo Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (vai trò giúp sức cho Kiên) có thể chịu án phạt như thế nào?
 
LS Hà Thị Thanh: Trong vụ án này, ông Nguyễn Đức Kiên, Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 264 tỷ đồng. Như vậy, các bị can sẽ bị truy tố theo quy định tại khoản 4, Điều 139. Khoản này có khung hình phạt từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân.
 
Trong các vụ án có đồng phạm thì từng bị can sẽ được “cá nhân hóa hình phạt”, Tòa án sẽ căn cứ theo vai trò, mức độ phạm tội của từng bị can cùng với việc xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để quyết định hình phạt phù hợp với mức độ phạm tội. Như vậy, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ, ông Thanh, bà Yến sẽ được hưởng mức hình phạt nhẹ hơn, có thể là hình phạt dưới khung.
 
Ngoài ra, ông Thanh, bà Yến còn có thể bị phạt tiền, ông Thanh có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ Giám đốc, bà Yến bị cấm hành nghề kế toán trong thời gian từ 1 đến 5 năm sau khi chấp hành hình phạt xong.
 
Phóng viên: Vậy còn các bị cáo Lý Xuân Hải, Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang và Phạm Trung Cang phạm tội Cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (với vai trò là những người giúp sức cho Nguyễn Đức Kiên thực hiện hành vi phạm tội) thì có thể sẽ phải chịu án phạt ra sao?
 
LS Hà Thị Thanh: Đối với tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thì ông Kiên và các đồng phạm cũng có thể bị truy tố theo quy định tại khoản 3, có khung hình phạt (nặng nhất) từ mười năm đến hai mươi năm tù giam.
 
Tùy theo vai trò đồng phạm, mức độ phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của mỗi cá nhân thì ông Lý Xuân Hải, Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang và Phạm Trung Cang sẽ phải chịu những án phạt khác nhau, tuy nhiên mức phạt cao nhất sẽ là 20 năm tù giam.
 
Ngoài ra, các ông này có thể bị tịch thu 1 phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, công việc có liên quan trong thời hạn từ 1 đến 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.
 
Phóng viên: Là Luật sư có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề và tham gia nhiều phiên tòa xét xử các vụ việc liên quan đến những tội danh trên, bà có nhận xét gì về vụ án này?
 
LS Hà Thị Thanh: Do không phải là Luật sư tham gia bào chữa trực tiếp trong vụ án nên các thông tin về vụ án tôi chỉ được biết thông qua các tin, bài của cơ quan báo chí, truyền thông. Với tư cách là một người hành nghề luật sư, theo tôi đây là vụ án kinh tế nghiêm trọng, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải làm việc thật khách quan, chi tiết, tỉ mỉ, kỹ lưỡng để khởi tố, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, không oan sai, không bỏ lọt tội phạm và đảm bảo được việc không gây ảnh hưởng quá lớn đến các doanh nghiệp, người lao động.
 
Phóng viên: Xin cảm ơn Luật sư về cuộc phỏng vấn!
Theo GDVN
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo