Ấn định ngày xử vụ “bác sĩ Cát Tường ném xác phi tang”
Chủ tọa của phiên tòa này là thẩm phán Lê Thị Hợp; Kiểm sát viên Đỗ Minh Tuấn (Viện KSND TP Hà Nội) thực hành quyền công tố tại phiên tòa. Luật sư bào chữa cho bị cáo Tường là Luật sư Chu Thị Trang Vân; bị cáo Khánh có hai luật sư bào chữa là Nguyễn Anh Thơm và Tạ Anh Tuấn. Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị Huyền và gia đình là Luật sư Vũ Gia Trường và Luật sư Phạm Hương Giang. |
Ngoài bị cáo Tường thì bị cáo Đào Quang Khánh (nhân viên bảo vệ tại Thẩm mỹ viện Cát Tường ) bị truy tố tội "Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt" và "Trộm cắp tài sản." Sau hơn 5 tháng xảy ra vụ án, đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm thấy thi thể của chị Huyền.
Liên quan vụ việc trên còn có vợ của Nguyễn Mạnh Tường, một bác sỹ và vài nhân viên của trung tâm thẩm mỹ Cát Tường. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng, những sai phạm này chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên không đề cập xử lý.
Liên quan đến tội danh của các bị cáo, ông Lê Văn Viễn (bố nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền) không đồng tình với việc Viện Kiểm sát truy tố Tường về hai tội trên.
Ông Viễn cho rằng, cần truy tố Tường về tội "giết người" bởi hành vi của Tường quá dã man, coi thường tính mạng khách hàng. Khi bệnh nhân nguy cấp, Tường không đưa vào Bệnh viện Bạch Mai gần đó mà tìm cách phi tang hòng che giấu tội, gây ra khó khăn cho việc tìm kiếm.
Ông Viễn cũng cho rằng, cáo trạng xác định Khánh là chủ mưu của việc vứt xác bệnh nhân xuống sông Hồng đã "làm giảm tội danh của Tường." Khánh chỉ là người làm thuê, dù gợi ý địa điểm ném xác nhưng quyền quyết định vẫn là ở Tường.
Trước đó, Đại tá Dương Văn Giáp – Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Nội cho biết, vụ án được phát hiện vào khoảng 23h ngày 19/10 tại đường Cổ Linh, phường Thạch Bàn, quận Long Biên. Vào khoảng thời gian này, anh Vũ Văn Tuấn (trú tại quận Long Biên) trên đường đi xem phim về, phát hiện có một chiếc xe máy hiệu Lead (màu đen) mang BKS 30K2 – 8747 đỗ nghiêng trên vỉa hè đường Cổ Linh.
Anh Tuấn tìm kiếm xung quanh không thấy ai và gọi hai người bạn đến, rồi cùng mở chiếc túi treo trên ra xem. Anh Tuấn thấy có rất nhiều cuộc gọi nhỡ vào chiếc điện thoại nokia ở trong túi, nên đã gọi cho một số điện thoại có nhiều cuộc gọi nhỡ, gặp được chồng chị Huyền và thông tin về chiếc xe bị để lại trên vỉa hè đường Cổ Linh.
Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã phối hợp với lực lượng công an quận tiến hành các biện pháp nghiệm vụ, khám nghiệm hiện trường. Thông qua lời khai của những người liên quan tới gia đình, xác định được chị Huyền là Trưởng phòng bán vé máy bay của Công ty Du lịch lữ hành Sài Gòn tại Hà Nội.
Cán bộ điều tra đã xác minh được thông tin, chị Huyền nói với một số người muốn đi thẩm mỹ viện. Bằng các tài liệu thu thập và qua lời khai, rạng sáng ngày 22/10, Công an TP Hà Nội xác định chị Huyền có đến Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường (tại số 45 phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng). Trung tâm này mở từ tháng 4/2013, Giám đốc là Nguyễn Mạnh Tường (SN 1973) – bác sĩ khoa ngoại BV Bạch Mai. Cơ sở này được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh ngành nghề, nhưng chưa có giấy phép của Sở Y tế Hà Nội.
Thông tin được cơ quan điều tra xác định: Khoảng 9h ngày 18/10/2013, do có nhu cầu thẩm mỹ nâng ngực, chị Huyền đã đến Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường để liên hệ phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ và nâng ngực. Chị Huyền đã đặt cọc 50 triệu đồng, và được nhân viên hẹn 10h ngày 19/10/2013 đến làm thủ tục phẫu thuật.
Đúng hẹn, 10h sáng ngày 19/10, chị Huyền đến Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường để làm các thủ tục, đến khoảng 12h anh Tường cùng 3 nhân viên của trung tâm là Vân, Hoa và Thư đều là y tá tại trung tâm tiến hành gây mê, sau đó hút toàn bộ mỡ ở bụng và nâng ngực.
Theo lời khai, Nguyễn Mạnh Tường khai đã dùng ống bơm kim tiêm hút khoảng 50cc, hút khoảng 11 ống mỡ ở bụng chị Huyền, sau đó dùng các ống bơm tiêm này bơm mỡ vào hai bên ngực chị Huyền. Đến khoảng 16h thì xong phẫu thuật. Khoảng 30 phút sau, chị Huyền có các biểu hiện co giật chân tay, sùi bọt mép… ông Tường đã tiêm thuốc và chị Huyền không còn các biểu hiện trên.
Đến khoảng 17h45, nhân viên trung tâm phát hiện chị Huyền có biểu hiện tím tái, mạch khó bắt, huyết áp không đo được, đã thông báo cho anh Tường biết. Tường hướng dẫn cho các nhân viên truyền dịch chống sốc, cho thở oxy, đồng thời quay về trung tâm làm các biện pháp cấp cứu khác cho chị Huyền.
Nguyễn Mạnh Tường nhận thấy chị Huyền đã chết lâm sàng, tiếp tục các biện pháp cấp cứu nhưng chị Huyền đã tử vong. Sau đó, Tường do sợ trách nhiệm nên đã cho một số nhân viên nghỉ, rồi cùng một số nhân viên khác thu dọn đồ đạc, sổ sách, máy tính đưa đi nơi khác cất giấu, nhằm xóa các dấu vết.
Buổi tối, Tường đã sử dụng chiếc xe ô tô của mình mang BKS 29A – 4881, cùng với nhân viên bảo vệ là Đào Quang Khánh, mang xác của chị Huyền xuống ô tô. Sau đó, Khánh là người đi xe máy chị Huyền đến đường Cổ Linh thì để lại đó, rồi lên xe ô tô của Tường, chạy vòng đường đê đến giữa cầu Thanh Trì thì hai người mang xác chị Huyền ra ném xuống sông. Khánh còn lấy trộm chiếc điện thoại iPhone5 của nạn nhân.
Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Công an nhiều tỉnh, cùng với các lực lượng CSGT, cảnh sát hình sự trên dọc trục tuyến này, tìm và trục vớt xác nạn nhân, nhưng tới nay đã 5 tháng vẫn chưa tìm thấy.
ĐBQH Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Hành vi làm chết nạn nhân rồi ném xác phi tang của bác sĩ Tường chẳng khác gì một kẻ cướp. Chưa có giấy phép hành nghề theo quy định của pháp luật mà vẫn ngang nhiên hoạt động nhiều tháng liền, lại đưa lên cả mạng quảng cáo, vậy thì các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát như thế nào? Việc một bác sĩ của BV Bạch Mai ra ngoài mở thẩm mỹ viện như vậy mà giám đốc bệnh viện Bạch Mai nói không hề biết gì thì như vậy có được không? Trong thời gian gần đây, Hà Nội đã có 3 vụ chết người ở các trung tâm thẩm mỹ, không những vậy còn có hàng loạt các vi phạm y đức khác, mà gần nhất là “nhân bản xét nghiệm” ở BV Hoài Đức. Trên địa bàn cả nước, báo chí đã nói nhiều về tình trạng bác sĩ chỉ định xét nghiệm tràn lan, tiêu cực trong khám chữa bệnh, đi khám bằng bảo hiểm y tế thì “bị hành”… thậm chí đến Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng bức xúc và thốt lên rằng “Tôi phải nói thật là người dân bị hành”.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo: Chúng ta không phủ nhận có rất nhiều bác sĩ mở phòng khám kiếm thêm thu nhập nhưng họ làm với tinh thần trách nhiệm rất cao. Bên cạnh đó, cũng có nhiều phòng khám chất lượng kém, mượn danh của các bác sĩ có tiếng để quảng cáo, nhưng thực chất khám và điều trị lại là người khác. Họ cũng có thể lợi dụng lúc bệnh nhân đau ốm để moi tiền bằng một loạt các xét nghiệm không cần thiết, kê thêm nhiều loại thuốc, việc chỉ định đi xét nghiệm tràn lan không chỉ xảy ra ở các phòng khám tư mà xảy ra ở ngay chính các bệnh viện. Chúng ta đã nói rất nhiều về y đức, về trách nhiệm, nhưng tôi cho rằng có hai thứ phải làm được: Thứ nhất là phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các sở ngành, địa phương. Bất kể là chuyện gì xảy ra trên địa bàn mà lãnh đạo không quản lý được cũng phải chịu hình thức kỷ luật xác đáng; Thứ hai là chế tài xử lý của chúng ta chưa thật nghiêm, quy trình quản lý thì lỏng lẻo nên mới xảy ra hậu quả đáng tiếc như vậy. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo