Quốc tế

Ấn Độ bắn tên lửa từ đáy biển

Ấn Độ đã tiến thêm một bước trong công nghệ hạt nhân của mình bằng tuyên bố nước này là quốc gia thứ 5 tiến hành thử thành công tên lửa đạn đạo từ đáy biển.

Vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo mang hạt nhân K-15 (hay còn gọi là BO5) do Tổ chức Phát triển và Nghiên cứu Quốc phòng Ấn Độ tiến hành. Tên lửa này được phóng đi từ khu vực bí mật dưới đáy biển ở Vịnh Bengal, hãng thông tấn PTI của Ấn Độ đưa tin.

Cuộc thử nghiệm này sẽ giúp Ấn Độ tiến thêm một bước nữa trong cái gọi là “bộ ba hạt nhân” – khả năng phóng tên lửa mang hạt nhân từ mặt đất, trên không và dưới đáy biển.

Tờ Hindu đưa tin, tên lửa Đạn đạo Phóng từ Tàu ngầm có chiều cao 10 mét này đã được phóng đi từ lòng biển lên tới độ cao 20 km so với mực nước biển và chạm tới mục tiêu cách nó khoảng 700 km trước khi rơi xuống biển.

PTI cho biết, đây là quả tên lửa đầu tiên do Ấn Độ tự phát triển từ A-Z có thể phóng đi từ tàu ngầm. Hiện trên thế giới mới chỉ có Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc sở hữu công nghệ này.

Ông V.K Saraswat, người đứng đầu Tổ chức Phát triển và Nghiên cứu Quốc phòng nói với hãng tin PTI rằng: “Hôm nay, tên lửa đạn đạo tầm trung K-5 đã được phóng thử thành công từ một cầu phao dưới đáy biển và tên lửa đã bắn trúng được các mục tiêu giả định”.

Các quan chức Ấn Độ cho biết, trước đó, tên lửa này đã được thử nghiệm khoảng 10 lần và vụ thử Chủ Nhật (27/1) là vụ thử cuối cùng cho tên lửa K-15.

Ông Saraswat nói với PTI rằng, tên lửa K-5 đã sẵn sàng được triển khai trên nhiều loại bệ phóng, trong đó có tàu ngầm hạt nhân tự chế 6000 tấn INS Arihant hiện đang phát triển của Ấn Độ.

Trước thời tên lửa K-15, Ấn Độ mới chỉ có các loại tên lửa đạn đạo có khả năng phóng đi từ mặt đất và trên không.

 


Hồng Lĩnh (Theo VnMedia)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo