Ấn Độ giải cứu hơn 70 trẻ em làm việc khổ sai ở trung tâm trang sức
Hai trẻ em lang thang gần một nhà ga ở Junagadh, thành phố bang miền tây Gujarat, đã thu hút sự chú ý của chính quyền. Các em nói rằng mình bị lạc đường khi nhảy lên tàu đi khỏi Rajkot, thành phố cách đó khoảng 100 km, sau khi trốn thoát khỏi một xưởng chế tạo trang sức, theo Guardian.
Ở đó, các em phải làm việc ngày đêm để lắp ráp đồ trang sức giả, rẻ tiền. Số trang sức này sẽ được bán sang thị trường Anh, Mỹ và châu Âu. Các em phải ngủ cùng phòng với hơn 10 bạn khác, thường xuyên bị đánh đập.
"Các cháu bị nhốt trong điều kiện sống tồi tệ, ép làm việc không phù hợp với lứa tuổi trẻ em", Balram Meena, phó giám đốc cảnh sát Rajkot hôm 9/4 cho hay.
73 em, đa số từ 8-14 tuổi, đã được giải cứu ở Rajkot, nơi có khoảng 700 cơ sở chế tác nữ trang rẻ tiền. Phần lớn trẻ em đến từ bang Tây Bengal, được người trung gian đưa tới Rajkot bằng lời hứa hẹn trả lương 93 USD mỗi tháng, nhưng thực tế, các em chỉ được nhận một nửa tiền. Khoảng 25 chủ thuê mướn và kẻ môi giới người đã bị khởi tố.
Ngành công nghiệp chế tác nữ trang mỹ ký ở Ấn Độ trị giá gần 154 triệu USD. Narendra Mehta, chủ tịch Hiệp hội Trang sức Rajkot cho hay các sản phẩm dây chuyền, vòng tay, và những trang sức khác sản xuất tại đây chủ yếu xuất sang Anh, châu Âu, Mỹ, Pakistan và Trung Đông.
Theo ông Mehta, việc phát hiện trẻ em làm việc trong chuỗi cung ứng này rất khó, bởi phần lớn các cơ sở chế tác đều rải rác tại nhà riêng quanh thành phố. Người làm công đa số là phụ nữ. Họ kiếm được 77-108 USD mỗi tháng, tùy năng suất.
Luật Ấn Độ cấm thuê mướn trẻ em dưới 14 tuổi làm việc trong hầu hết các ngành nghề, bao gồm chế tác trang sức. Nhưng theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế, năm 2015, Ấn Độ có khoảng 5,7 triệu lao động trẻ em, hơn một nửa số này làm việc trong ngành nông nghiệp.
Các chiến dịch giải cứu của cảnh sát đã giải phóng hàng trăm trẻ em, nhưng theo các nhà phân tích, việc đột kích và truy tố hình sự không thể giải quyết tận gốc những yếu tố khiến nhiều gia đình trao con cái cho kẻ buôn người.
Việc giám sát và quản lý ngành chế tác yếu kém, nhiều em sau khi được giải cứu lại tiếp tục tìm đến nơi khác làm việc. Còn người kinh doanh, sau những vụ bắt bớ, sẽ tìm cách hoạt động tinh vi hơn, đồng nghĩa với việc điều kiện làm việc của trẻ em sẽ tồi tệ hơn, và các em sẽ ít được bảo vệ hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo