Quốc tế

Ấn Độ trên đường trở thành “xứ sở của cơ hội”

Nhằm thu hút các nhà đầu tư quốc tế, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hứa sẽ biến Ấn Độ thành địa điểm “dễ dàng nhất” để kinh doanh. Thủ tướng Modi kêu gọi các nước, các DN và giới đầu tư hãy tham gia tiến trình phát triển của Ấn Độ theo sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” và nhấn mạnh rằng Chính phủ của ông đang ủng hộ các cam kết bằng những hành động cụ thể, với mục tiêu cuối cùng là phúc lợi cho mọi người.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

 

Hội nghị cấp cao lần thứ bảy về xúc tiến đầu tư toàn cầu Vibrant, diễn ra tại bang Gujarat (Ấn Độ), vừa khép lại ngày 13/1, được đánh giá là thành công vượt mong đợi đối với quốc gia Nam Á này.

 
Nhằm thu hút các nhà đầu tư quốc tế, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hứa sẽ biến Ấn Độ thành địa điểm “dễ dàng nhất” để kinh doanh, trong đó tạo cơ chế thuế ổn định, môi trường và chính sách đầu tư công bằng, minh bạch; thiết lập cơ chế một cửa ở cấp trung ương và cấp bang để nhanh chóng thông qua các dự án đầu tư.
 
Thủ tướng Modi kêu gọi các nước, các DN và giới đầu tư hãy tham gia tiến trình phát triển của Ấn Độ theo sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” và nhấn mạnh rằng Chính phủ của ông đang ủng hộ các cam kết bằng những hành động cụ thể, với mục tiêu cuối cùng là phúc lợi cho mọi người.
 
Theo ông Modi, trước những lợi ích tiềm năng to lớn tại Ấn Độ và nhiều nước đã quan tâm hợp tác, quốc gia này đã trở thành “xứ sở của cơ hội”. Chính phủ Ấn Độ đang ủng hộ các cam kết bằng những hành động cụ thể, với mục tiêu cuối cùng là phúc lợi cho người dân.
 
Theo ông Modi, chỉ trong vòng bốn tháng sau khi lên nắm quyền điều hành đất nước, Chính phủ đã triển khai mở 100 triệu tài khoản NH cho người nghèo, cho phép 100% dòng vốn FDI vào lĩnh vực đường sắt; nâng trần FDI trong lĩnh vực quốc phòng và bảo hiểm lên 49% so với mức 26% trước đó.
 
Hội nghị đã thành công tốt đẹp, mang tới kết quả lớn hơn mong đợi, với 21.000 bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác được ký kết và cam kết đầu tư lên tới 25.000 tỷ crore rupee (khoảng 409 tỷ USD). Số tiền cam kết đầu tư tại hội nghị lần này cao gấp hơn hai lần so với 12.000 tỷ crore rupee được đưa ra tại hội nghị lần thứ sáu, tổ chức năm 2013 và gấp 10 lần so với cam kết đầu tư tại Hội nghị cấp cao về kinh doanh toàn cầu vừa diễn ra tại bang Tây Bengal. 
 
Thủ hiến bang Gujarat Anandiben Patel cho biết, trong số 21.000 MoU nói trên có tới 1.225 MoU về “đối tác chiến lược”. Bà Anandiben Patel nhấn mạnh: “Toàn thế giới đã đặt niềm tin vào chúng ta và nay trách nhiệm của Chính quyền và 65 triệu dân bang Gujarat là hợp tác với giới công nghiệp toàn cầu để thúc đẩy sự phát triển”.
 
Dẫn đầu trong cam kết đầu tư tại hội nghị trên là tỷ phú công nghiệp Mukesh Ambani, Chủ tịch kiêm Giám đốc quản lý của Tập đoàn Reliance Industries - tập đoàn tư nhân lớn nhất của Ấn Độ và được xếp trong danh sách 500 Công ty lớn nhất thế giới - tuyên bố sẽ đầu tư 100.000 rupee trong vòng 12-18 tháng tới.
 
Tập đoàn đa quốc gia Adani group, có trụ sở chính tại Ahmedabad (thủ phủ bang Gujarat), chuyên về lĩnh vực kho vận, nông nghiệp, năng lượng, ký MoU liên doanh với Công ty SunEdison (có trụ sở tại Mỹ) về thành lập một công viên năng lượng Mặt Trời tại Gujarat, với vốn đầu tư 25.000 crore rupee (4 tỷ USD), tạo 20.000 việc làm. Adani group cũng ký một thỏa thuận hợp tác với Công ty năng lượng Woodside của Australia…   
 
Trong số các công ty nước ngoài, Công ty khai mỏ Rio Tinto của Australia cam kết sẽ tạo thêm 30.000 việc làm trong ngành công nghiệp chế tác kim cương thô tại bang Gujarat - trung tâm chế tác kim cương lớn nhất thế giới. Còn Chủ tịch hãng sản xuất ô tô Suzuki của Nhật Bản cho biết, một nhà máy chế tạo ô tô mới của hãng đang được xây dựng tại bang Gujarat, với vốn đầu tư 40 tỷ rupee và sẽ đi vào hoạt động vào năm 2017… 
 
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley cho rằng, các khoản đầu tư vào Ấn Độ sẽ tăng mạnh trong những ngày tới do Chính phủ đã thành công trong việc ngăn chặn dòng vốn chảy ra ngoài 3-4 năm trước đây. Bộ trưởng Jaitley cam kết sẽ có những quyết định nhanh chóng và cơ chế thuế ổn định để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.  
 
Tại hội nghị, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi các nhà đầu tư định hình một chương trình phát triển sau năm 2015, với mục tiêu phát triển bền vững. Tổng thư ký Ki-moon đánh giá cao sáng kiến phát triển “thành phố thông minh” của Thủ tướng Modi, trong đó khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng một cách hiệu quả. Ông Ki-moon kêu gọi cộng đồng DN tại Ấn Độ dẫn đầu sự chuyển đổi để đạt được mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững.  
 
Trong bài diễn văn tại hội nghị lần này, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry đánh giá cao mối quan hệ song phương với Ấn Độ và nhấn mạnh rằng việc tăng cường và nâng cao hơn nữa quan hệ này là điều mà cả đôi bên cùng quan tâm và chú trọng. Theo ông, đầu tư của Mỹ vào Ấn Độ tăng từ mức 2,4 tỷ USD lên 28 tỷ USD trong thời gian qua.
 
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) và lãnh đạo các nước tham dự hội nghị cũng đưa ra những nhận định khả quan về kinh tế Ấn Độ và cho rằng nền kinh tế nước này sẽ trở lại thời kỳ tăng trưởng mạnh nếu các biện pháp cải cách thành công.  
 
Hội nghị Vibrant Gujarat được tổ chức 2 năm/lần, được coi là diễn đàn thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại của bang Gujarat nói riêng và của Ấn Độ nói chung, với các nền kinh tế trên thế giới. Hội nghị do các nước Mỹ, Nhật Bản, Australia, Canada, Hà Lan, Singapore, Nam Phi và Anh đồng tài trợ.  Đây là Hội nghị cấp cao lần thứ bảy, được tổ chức sau thành công của hội nghị lần thứ sáu năm 2013.
 
 
Theo Thời báo Ngân hàng
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo