Thị trường

An Giang: Bà con Khmer thoát nghèo từ đường thốt nốt

Vài năm qua, cây thốt nốt giúp cho nhiều gia đình ở An Giang đã thoát nghèo, khá lên và giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động bằng cách khai thác và chế biến đường thốt nốt.

Tại An Giang, trong khi nhiều làng nghề truyền thống khác bị mai một thì nghề nấu đường thốt nốt vẫn phát triển ổn định. Cùng với việc được công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, An Giang có nhiều chính sách hỗ trợ để những hộ theo nghề nấu đường thốt nốt ở 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên phát triển sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ, đưa sản phẩm tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Qua đó, giúp đồng bào Khmer yên tâm gắn bó với nghề truyền thống đã tồn tại qua nhiều thế hệ.

Hiện nay, làng nghề xã Châu Lăng (Tri Tôn) có 84 hộ tham gia sản xuất đường thốt nốt, tập trung nhiều ở ấp Phnôm Pi (55 hộ) và ấp An Thuận (29 hộ), mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho đồng bào Khmer.  

Nhằm giúp các hộ nghèo xóa nghèo, chính quyền và Hội Nông dân xã Núi Tô vận động hộ có cây cho hộ nghèo biết khai thác nước thốt nốt, thuê cây thốt nốt. Được Hội Nông dân huyện tư vấn xây dựng dự án hỗ trợ nông dân nấu đường thốt nốt và Sở Công thương tỉnh hỗ trợ mỗi hộ gần 10 triệu đồng để mua thang, bình đựng nước, dao, nồi nấu đường, đồng thời hướng dẫn phương pháp leo cây khai thác, bảo quản sản phẩm, xây lò chế biến thốt nốt... Anh Chau Vel ở ấp Tô Thuận tham gia dự án kể: "Vợ chồng tôi mướn lại 25 cây của chủ trước đây tôi làm mướn, mỗi ngày thu hoạch nước nấu được 24kg đường, thu chừng 430.000 đồng”.

Theo anh Chau Vel với 25 cây thốt nốt anh đang khai thác, mỗi năm chế biến được 3.600kg đường và phấn đấu xóa nghèo trong năm nay. Trước đây gia đình anh Chau Ương (ấp Tô Trung – Núi Tô) có ít đất trồng lúa, do khó khăn anh phải bán đất, rồi thuê 17 cây thốt nốt của chủ khác để khai thác chế biến đường. Năm 2012, anh Chau Ương tham gia Dự án nấu đường thốt nốt, với 9,6 triệu đồng dự án hỗ trợ, Chau Ương cải tiến lò nấu củi truyền thống thành lò sử dụng chất đốt bằng trấu nên hạ được giá thành sản phẩm. Lợi nhuận từ chế biến đường, gia đình anh Chau Ương mua 3 con bò lai Sind về nuôi, hiện một con sắp đẻ. Đứng bên lò nấu đường, vợ Chau Ương phấn khởi: "Gia đình tôi thoát nghèo rồi”.

Theo báo Đai đoàn kết
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo