An Giang: Nuôi heo an toàn sinh học
Xuất thân từ gia đình chuyên sống về sản xuất nông nghiệp, gia đình anh Dương Văn Đúng có 4 nhân khẩu, trong đó vợ chồng anh là lao động chính tạo ra nguồn thu nhập để kiếm sống, chăm lo cho 2 đứa con ăn học. Tất cả mọi chi tiêu trong nhà chỉ dựa vào 10 công đất ruộng (sản xuất mỗi năm được 2 vụ) và chăn nuôi heo với quy mô kinh tế gia đình. Từ đồng vốn ít ỏi ban đầu, anh chị nuôi 2 con heo sinh sản và 4 con heo thịt, thu nhập mỗi năm cũng tạm đủ trang trải cuộc sống cả nhà, nhưng sinh hoạt vẫn còn thiếu thốn. Một cơ may giúp gia đình làm giàu, khi anh được Hội Nông dân thị trấn Nhà Bàng cử đi học lớp “Kỹ thuật chăn nuôi heo theo hướng công nghiệp”, do Hội Nông dân tỉnh và huyện Tịnh Biên phối hợp tổ chức.
Thông qua những kiến thức đã tiếp cận, anh Đúng vận dụng vào mô hình nuôi heo ở gia đình, tổ chức với quy mô lớn. Từ chỗ chỉ nuôi 2 con heo sinh sản, anh bổ sung dần lên 4 – 8 con, rồi 10 con heo nái hậu bị. Mỗi năm, đàn heo sinh sản cho ra 2 lứa heo con (từ 50 đến 80 con), anh bán phân nửa heo con cho bà con làm giống, số còn lại để nuôi heo thịt thương phẩm. Cứ thế, hết lứa này nối tiếp lứa khác, nguồn thu nhập bắt đầu ổn định và tăng dần theo năm tháng. Từ thu nhập 270 triệu đồng của năm 2010, đến năm 2013 lợi nhuận tăng lên trên 300 triệu đồng/năm. Anh Đúng cho biết: “Nuôi heo không khó khăn, điều quan trọng là biết cách chăm sóc cho heo mau lớn, tính toán hợp lý để tiết kiệm nguồn thức ăn, giảm chi phí mới có lợi nhuận cao”. Nguồn thức ăn chủ yếu là tấm, cám và tận dụng pha trộn với thức ăn công nghiệp. Đồng thời, chú trọng khâu vệ sinh chuồng trại, thiết kế thông thoáng, đảm bảo môi trường…
Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi, tìm hiểu tài liệu, sách báo và học hỏi những người đi trước về cách khai thác tinh heo nhân tạo, anh Dương Văn Đúng thực hiện ngay trên đàn heo của mình. Mỗi ngày, anh lấy tinh heo phối giống bán cho những hộ chăn nuôi có nhu cầu. Anh chia sẻ, nhờ biết cách phối giống nên đạt chất lượng tốt và hiệu quả cao, nhiều bà con chăn nuôi heo đến mua và đặt hàng trước. Trong đó, có cả người chăn nuôi heo ở các xã biên giới Campuchia và vùng lân cận của tỉnh Takeo. Khai thác mô hình nuôi heo, anh Đúng còn tận dụng phân heo để xây bồn biogas phục vụ điện chiếu sáng và chất đốt trong sinh hoạt gia đình; vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa tiết kiệm hàng triệu đồng mỗi năm.
Không chỉ biết làm giàu cho chính mình, anh Dương Văn Đúng còn phối hợp Trạm Thú y, Hội Nông dân thị trấn Nhà Bàng thực hiện mô hình trình diễn thực hành các biện pháp khoa học-kỹ thuật mới để tạo điều kiện cho bà con đến xem và ứng dụng có hiệu quả. Anh đã giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm chăn nuôi heo cho hơn 50 bạn nhà nông, đóng góp hàng chục triệu đồng để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, phục vụ đời sống dân sinh. Với sự nỗ lực vượt khó, đem lại hiệu quả kinh tế tốt, gia đình anh Dương Văn Đúng có cuộc sống ổn định, hai đứa con đều được học hành đến nơi đến chốn và cả hai đều bước vào giảng đường đại học. Trong đó, con gái lớn Dương Thị Hồng Liên đang học năm thứ tư ngành Tâm lý học, còn cháu Dương Hoàng Sơn đang học năm thứ nhất ngành Công nghệ thông tin.
“Với mô hình chăn nuôi heo an toàn hay còn gọi là theo hướng công nghệp, nông dân Dương Văn Đúng được xét chọn danh hiệu “Nông dân giỏi” cấp tỉnh nhiều năm liền. Riêng 2 năm 2013-2014, anh được xét chọn “Nông dân giỏi” cấp Trung ương”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo