Ẩn họa khôn lường từ các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ‘chui’
Hàng chục ki-ốt bán xăng dầu ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) đua nhau mọc lên san sát, không thực hiện quy định pháp luật về xây dựng, đo lường, niêm yết giá, không được cấp phép kinh doanh nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động bất chấp nguy cơ về ô nhiễm môi trường, cháy nổ…
Cảng cá Lạch Vạn là nơi có khoảng 600 tàu thuyền của ngư dân thường xuyên ra vào cảng để tiếp nhiên liệu. Với nhu cầu khoảng 30 ngàn lít dầu mỗi ngày nên từ nhiều năm nay, các điểm kinh doanh xăng dầu đã đua nhau mọc lên. Đa số những điểm kinh doanh xăng dầu này đều không đảm bảo kỹ thuật, trong 15 điểm kinh doanh xăng dầu mọc lên tại ven biển cảng cá Lạch Vạn thì có tới 14 điểm không được cấp phép.
Nói là cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhưng thực chất các cột bơm được lắp đặt một cách rất sơ sài. Từ quán ăn, quầy tạp hóa hay thậm chí ngay cả trong nhà... đều có thể trở thành điểm bán xăng. Những nơi được gọi là “cây xăng” này đều thiếu an toàn, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm đối với đời sống dân sinh ven biển.
Anh Trần Văn N. (một hộ dân sống tại xóm Nam Thịnh, xã Diễn Ngọc) cho biết tất cả các điểm bán xăng dầu này đều phục vụ cho người dân đi biển hết. Để được cấp phép kinh doanh xăng dầu ở khu vực này sẽ là rất khó và tốn kém nên đa số không ai làm.
“Nhiều người tận dụng đất của gia đình mình nên mở ngay trong nhà luôn, các cột xăng cứ nằm ngay bên cạnh nhà dân như thế rất nguy hiểm. Lỡ xảy ra cháy nổ thì không biết là sẽ có chuyện gì nữa”, anh N. nói.
Do cảng cá Lạch vạn nằm khá xa với quốc lộ nên để chuẩn bị nhiên liệu cho chuyến ra khơi người dân phải đi hàng chục cây số, mang theo dụng cụ để chở xăng dầu về đổ vào tàu thuyền, gây ra những bất cập trong vận chuyển xăng dầu. Hơn nữa ngư dân thường không có tiền mặt nên thường mua nợ tại các cây xăng trong nhà dân, khi đánh bắt và bán được sản phẩm thì sẽ trả sau. Chính vì những lý do đó, đã dẫn đến tình trạng nhiều cây xăng trái phép mọc lên để giải quyết nhu cầu tại chỗ cho người dân, từ đó gây khó dễ cho cơ quan chức năng cũng như tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy nổ, ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân.
Cảng cá Lạch Quèn là nơi hàng trăm phương tiện tàu thuyền của ngư dân các xã Quỳnh Thuận, Quỳnh Long, An Hòa, Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy… của huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) ra vào, neo đậu. Chính vì vậy, để thuận tiện trong việc cấp nhiên liệu cho tàu thuyền ra khơi, người dân tại thôn Đức Xuân, xã Tiến Thủy từ hàng chục năm nay đã đua nhau xây dựng nhiều kho chứa dầu Diezen ngay tại khu vực Cảng cá Lạch Quèn.
Hầu hết những kho nhỏ lẻ này có dung tích gần 20 m3 được đặt ngay trong nhà ở của các hộ dân. Xung quanh những kho xăng dầu này, người dân vẫn vô tư sinh hoạt, buôn bán tấp nập mà không hề biết rằng, chỉ cần sơ hở một giây, các kho chứa dầu Diezen sẽ phát nổ bất cứ lúc nào. Các điều kiện về an toàn vệ sinh cháy nổ cũng không hề có tại các cửa hàng buôn bán dầu Diezen ở đây. Mùi dầu bốc ra khiến cho cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.
“Ở đây khổ sở lắm, chưa nói đến chuyện có xảy ra cháy nổ hay không nhưng nhiều năm nay chúng tôi phải sống trong cảnh ô nhiễm do mùi dầu bốc ra. Đặc biệt, khi các cửa hàng hút dầu vào bể, bán dầu ra cho tàu thuyền, mùi dầu bốc lên nồng nặc rất khó chịu khiến trẻ con, người già đều bị nôn ọe”, bà Nguyễn Thị Q. (một người dân sống cạnh cây xăng ở thôn Đức Xuân) bức xúc nói
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho biết phía chính quyền xã cũng đã niều lần xuống kiểm tra và khuyến cáo các cơ sở trên. Nhưng nhiều lần nghiêm cấm xong các cơ sở này lại tiếp tục hoạt động “chui” nên rất khó trong việc quản lý.
Để đảm bảo an toàn trong khu dân cư, UBND xã cũng đã mời những cơ sở trên về để tập huấn về việc phòng chống cháy nổ. Hiện xã đang đề xuất lên trên để xin việc thành lập các quỹ đất để cho các hộ kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tập trung lại một chỗ để dễ quản lý cũng như đề phòng các trường hợp cháy nổ ở các khu dân cư.
Theo báo cáo của Đội Quản lý thị trường số 1, Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An đóng tại địa bàn huyện Diễn Châu, chỉ riêng ở xã Diễn Ngọc, đã có đến 14 cơ sở kinh doanh xăng dầu không phép. Năm 2014, Đội đã tiến hành kiểm tra 80 vụ, phát hiện 26 vụ sai phạm, xử phạt 354 triệu đồng, trong đó xử phạt lỗi không có giấy phép là 280 triệu đồng.
Tương tự, số liệu thống kê của Đội Quản lý thị trường số 4 đóng tại huyện Quỳnh Lưu, tính đến tháng 1/2015, trên địa bàn có 26 cây xăng không đủ điều kiện kinh doanh. Trong năm 2014, đơn vị cũng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 43 cơ sở vi phạm, tiến hành xử phạt số tiền 206 triệu đồng, thu hơn 2.000 lít dầu không rõ nguồn gốc.
(*) Doanhnghiepvn.vn đã đặt lại tiêu đề.
Theo Một Thế giới
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo