An ninh mạng

Thách thức trong đảm bảo an toàn, an ninh thông tin khi chuyển đổi số

DNVN - Sáng 25/3/2021, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Băng thông rộng di động & cố định (World Mobile Broadband & ICT). Hội thảo Security World Conference & Expo 2021 có chủ đề: “Thách thức và giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong giai đoạn chuyển đổi số”.

Bộ trưởng Bộ TT&TT: Chống tin nhắn rác là cuộc chiến lâu dài / Gần Tết, dịch vụ đòi nợ thuê kiểu xã hội đen hoành hành trên mạng

Hội thảo sẽ tập trung bàn thảo về những chính sách, mô hình, kinh nghiệm và giải pháp công nghệ đảm bảo an toàn, an ninh thông tin giúp các tổ chức, doanh nghiệp an toàn hơn trong giai đoạn chuyển đổi số.

Hội thảo có 1 phiên Báo cáo chính “Thách thức và giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong giai đoạn chuyển đổi số cấp tốc hậu Covid-19” sẽ tập trung thảo luận về những nguy cơ, giải pháp công nghệ và quy trình đảm bảo an toàn thông tin trên nền tảng điện toán đám mây và băng thông rộng thế hệ mới. Dự kiến có sự tham dự của các chuyên gia đến từ đơn vị quản lý nhà nước, các tổ chức, tập đoàn công nghệ, viễn thông lớn tại Việt Nam và thế giới.

Phiên Chuyên đề “Bảo mật dữ liệu cho doanh nghiệp, tổ chức tài chính, ngân hàng trên nền tảng điện toán đám mây” tập trung vào nội dung đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các tổ chức tài chính, ngân hàng đồng thời giới thiệu một số công nghệ bảo mật tiên tiến nhất hiện nay. Chuyên đề có sự tham dự trình bày của các đơn vị như Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), CMC, Redhat, VNPT, Viettel Cyber Security.

Song song với phiên Chuyên đề là Chương trình diễn tập phòng chống tấn công có chủ đích trên không gian mạng nhằm vào hệ thống khối tài chính ngân hang. Dự kiến, có từ 35 đến 50 đội là các chuyên viên phụ trách an toàn, an ninh mạng của các đơn vị hoạt động trong ngành tài chính, ngân hàng tham dự chương trình diễn tập này.

Viễn thông đang trở thành hạ tầng cho kinh tế số

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên số, xã hội số. Trong vòng 10 năm tới, thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến những chuyển đổi lớn của xã hội loài người. Đó là sự chuyển dịch từ thế giới thực sang thế giới ảo, sự chuyển đổi toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội sang môi trường số, dữ liệu sẽ trở thành một nguồn tài nguyên quan trọng của mỗi quốc gia và sự phát triển mạnh mẽ của kết nối vạn vật.

Hạ tầng viễn thông đang trở thành hạ tầng nền tảng cho kinh tế số, xã hội số, chính phủ số. Khái niệm hạ tầng số theo góc nhìn của Bộ TT&TT bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng và các nền tảng IoT, AI, Big Data, an ninh mạng, định danh số và thanh toán điện tử. Hạ tầng di động và hạ tầng băng rộng cố định sẽ đóng góp rất lớn trong sự phát triển của đất nước.

Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Viện Chiến lược TT&TT, tỷ lệ đóng góp của 5G vào tăng trưởng GDP được dự báo đạt 7,34% vào năm 2025. Chính vì vậy, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 đã nhiều lần nhắc tới chuyển đổi số, viễn thông, CNTT, công nghệ số, chính phủ số, kỹ năng số,…

Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một trong các đột phá chiến lược của giai đoạn 10 năm tới nhằm đưa Việt Nam phát triển và nằm trong top các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước công nghiệp có thu nhập cao vào năm 2045.

Trong bối cảnh đó, Bộ TT&TT xác định sẽ đi cùng nhịp với thế giới và chủ động trong việc triển khai thương mại hóa 5G tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm.

Việt Nam ứng dụng 5G trong nông nghiệp, công nghiệp và Cách mạng 4.0

Tính đến hết tháng 2/2021, tại Việt Nam tổng số thuê bao băng rộng cố định vượt 17,2 triệu thuê bao, tổng thuê bao băng rộng di động đạt gần 69,5 triệu thuê bao (số liệu Cục Viễn thông).

Đặc biệt, theo một thống kê chưa chính thức từ đơn vị quản lý viễn thông, chỉ trong vòng 2 tháng chịu tác động của dịch Covid-19, doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông tăng gần 28% và dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong những tháng kế tiếp.

Tuy nhiên, để góp phần hiện thực hóa đề án chuyển đổi số quốc gia vào năm 2030 và thúc đẩy hơn nữa nền kinh tế số, các hoạt động đầu tư, khai thác viễn thông tại Việt Nam cần nhiều đổi mới, tạo bước phát triển nhảy vọt.

Đánh giá về sự phát triển của thị trường viễn thông Việt Nam, ông Trần Đức Lai - Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam cho biết, trong năm nay, các nhà mạng đã triển khai 5G và đạt được kết quả rất tích cực. Từ năm 2021, Việt Nam sẽ thử nghiệm 5G trên diện rộng và thậm chí là bằng các thiết bị Make in Vietnam.

Trong quá trình phát triển 5G, Việt Nam đặc biệt quan tâm ứng dụng 5G vào nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao và cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây là lý do World Mobile Broadband & ICT chọn chủ đề Phát triển 5G và hạ tầng băng thông rộng góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2020" do Google, Temasek và Bain cho thấy, nền kinh tế số Việt Nam đạt tổng giá trị 14 tỷ USD, cao 2 tỷ USD so với giá trị của cùng kỳ năm ngoái. Hơn nữa, trong tổng số người sử dụng dịch vụ kỹ thuật số, người dùng mới tại Việt Nam chiếm đến 41%. Điều này biến Việt Nam thành quốc gia có tỉ lệ người dùng Internet mới cao nhất trong khu vực.

Còn theo số liệu của Tổng cục thống kê, Việt Nam là một trong ba quốc gia châu Á có mức tăng trưởng tích cực, quy mô nền kinh tế đạt hơn 343 tỷ USD (Singapore đạt 337,5 tỷ USD và Malaysia đạt 336,3 tỷ USD).

Chính phủ Việt Nam xác định một trong những trụ cột của nền kinh tế số là hạ tầng viễn thông, bao gồm cả hạ tầng băng rộng di động lẫn băng rộng cố định. Thực tế chứng minh, chỉ trong vòng 2-3 năm trở lại đây, sự phát triển hạ tầng băng thông rộng đã mở đường cho tất cả các ngành kinh tế khác phát triển.

Nguyên Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm