Pháp luật

Ăn Tết Việt Nam

Ăn tết! Ông bà ta có thành ngữ này để chỉ cho con cháu biết hễ có Tết thì phải có ăn. Cũng như ăn cỗ, ăn giỗ, ăn đám hỏi, ăn đám cưới... Tết mà không có ăn là chuyện không thể xảy ra hoặc chỉ xảy ra trong trường hợp bất khả kháng, chứ ngay trong chỗ giam giữ tù tội, bất kỳ trong chế độ nào cũng đều có tổ chức ăn tết...

 

Ông bà ta cũng lại có câu: "đói ngày tết, hết ngày mùa", câu này có nghĩa là về mùa gặt dù người đói, người nghèo khổ đến đâu cũng không thể không có cái ăn, nhà địa chủ thì gà, vịt thừa thãi, người mót lúa cũng tìm ra con cá, miếng thịt đàng hoàng. Còn đói ngày tết thì chẳng cần hỏi tại sao, chỉ biết trên bà thờ ông bà, ông vải cũng có nén hương, đôi đèn, bữa cúng cũng có thịt, có cá, cũng gia đình tụ họp quanh bữa ăn "bề thế" nhất trong năm.

 

Người ngoại quốc nào đến đất nước ta từ nhiều thế kỷ nay cũng đều ngạc nhiên về người Việt Nam; dù trong thời kỳ chia cắt rất khắc nghiệt thì dân tộc Việt Nam cũng thống nhất gần như triệt để về ngôn ngữ, tập tục, chữ viết... nói chung là nền văn hoá Việt Nam. 

 

Khởi đầu cho sự thống nhất ấy, ta có thể quan sát được bên ngoài mà dấu hiệu là ăn tết. Tết là sự đánh dấu cao điểm nhất của tập tục năm cùng tháng tận, kết thúc năm cũ để chuyển sang năm mới mà tết là sự biểu lộ tình cảm, tư tưởng, tính thuỷ chung của gia đình Việt Nam trong mối quan hệ bà con, xóm làng từ Bắc chí Nam. Nếu ta lui lại nhiều thế kỷ, có thể từ lúc câu đối này chưa hình thành đi chăng nữa, nó cũng chỉ mang nội dung và hình thức mà người đặt ra câu đối ấy có cái công duy nhất là tập hợp chứ không hề sáng tạo chút nào để dễ nhớ, dễ truyền.

 

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

 

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.

 

Ta thử đi vào một số chi tiết sau khi đã xác định với nhau là cái "sự kiện" trên đây đều được toàn thể Bắc Nam, dù chẳng ai bảo ai, cũng theo răm rắp tuy có tính đa dạng do sự phong phú của từng địa phương tạo nên.

 

Nói về thịt mỡ. Có thể nói một cách chắc chắn "Vô thịt mỡ bất thành tết". Nó không do một mai một chiều mà có được. Nhà giàu thì đã lo liệu từ nhiều tháng trước để tự mình càng đáng hết việc ăn uống cho cả gia đình: nào con cháu, nào anh em, nào tộc họ, bà con sui gia, người ăn, người làm... 

 

Điểm quan trọng đặc biệt là bữa tiệc để đãi bà con sui gia vừa mới nhắc. Ngày xưa có câu: "sui gia là bà con tiên", trong buổi tiệc ấy, có của ngon vật lạ gì, có bí quyết nấu nướng nào của gia đình "nem công chả phượng" đều phô bày ra hết để tỏ lòng trọng vọng người "bà con tiên", đồng thời cho đối phương biết cái thế và cái lực đáng nể của gia đình mình để khi tụi trẻ thành gia thất chúng nó sẽ không bị coi thường. 

 

Cũng với vấn đề thịt mỡ, khi một gia đình không đủ lực hoặc không đủ tự mình nuôi một con heo với thực phẩm tương đối cao cấp (chủ yếu là tấm cám) thì đôi ba gia đình hợp tác.

 

Ở nông thôn, không ai lạ gì cảnh năm bảy gia đình họp nhau vào chiều ba mươi tết để chia phần một con heo, giá trị của con heo này không đóng góp ngay, nó đã được tính vào công sá thực hiện ngày thường hoặc sẽ thu nhận trong tương lai. Ở Miền Trung miền Nam "thịt mỡ" - tức là các loại thịt nào không để cúng tươi - đều cho hết vào trong một nồi gọi là "nồi hầm". 

 

Sau nồi hầm không thể thiếu món dưa hành, được ăn kèm với thịt. Ở miền Trung không gọi là dưa hành mà gọi là củ cải, củ kiệu. Củ kiệu trông giống củ hành, nhưng nhỏ hơn, lá xanh và rễ dài, mỗi bó trông như bộ râu của ông lão trong tranh Phước Lộc Thọ. Củ kiệu không những dùng phần củ mà cả phần lá lẫn rễ. 

 

Có thể nói, thịt heo mà không có món củ cải, củ kiệu này thì không khác ngày thường bao nhiêu. Đến câu đối đỏ cũng có "hiến dâng" riêng của nó. Người ta không chỉ dán giấy đỏ hay giấy hồng đơn dưới hình thức câu đối mà cả lời chúc tụng hoặc lễ nghi trước ngõ, trước cửa, trong bếp và cả trên sừng trâu, chuôi cày.

 

Cây nêu tức mục phiêu để ông bà biết đường về mà chủ yếu là để chia ranh giới cho loại ma quỷ không thể xâm phạm khiến ông bà được bình yên, ăn tết kể từ chiều ba mươi đến mồng bảy tết. Trên cây nêu, tuỳ theo địa phương có treo những thứ trừ tà ma. theo sách vở cũ, ở miền Bắc còn treo các loại tranh Thần Trà, Uất Luỹ để trừ ém sức lung lạc của người cõi âm; khắp miền Trung hình như không nơi nào có, trong khi đó tại Hội an - thành phố có nhiều người Hoa cư ngụ - lại thấy có loại tranh này.

 

Tràng pháo thì tất cả ai là người Việt Nam đã từng đón tết trước đây mấy năm đều biết. Xưa kia người ta đốt pháo rất có phép tắc hoặc để xua đuổi ma quỷ, hoặc để phần lễ nghi thêm trang trọng vào dịp chào đón ông bà hay mừng xuân mới. Chỉ có những người nhà giàu, đặc biệt người Hoa mới dùng những dây pháo dài, có khi dài "kỳ dị", nổ suốt cả giờ, nhưng cũng giới hạn trong nghi lễ. 

 

Từ thập niên 60 trở đi cứ mỗi ngày một gia tăng tiếng nổ vô cùng tận, mịt mù trời đất, lẫn lộn trong đó có cả tiếng súng. Sau 1975, tiếng nổ cũng noi theo âm thanh cũ phát triển khắp phố phường. Nhiều đường phố tưởng chiến tranh đang tái diễn, khói toả mịt mù không thấy bóng người. Hàng ngàn năm nổ pháo vào ngày tết mới chỉ dừng lại vào năm 1995.

 

Bánh chưng xanh thì đã đi vào lịch sử và huyền thoại những ngày đầu dựng nước. Nó cũng được các miền Trung, Nam răm rắp noi theo. Xây dựng vùng ác địa này không chỉ có mang gươm đi mở nước mà gần như toàn bộ vấn đề là lao động và lao động. Nếu giữ hình thể vuông vắn của bánh mẫu khởi từ đất mẹ thì những ông "Ba Bị" sẽ lướng vướng biết bao. "Ba Bị" là những ông đầu tiên (có thể người xứ Thanh - Nghệ - Tĩnh) mang trên mình ba cái bị, trong đó ngoài bị quần áo, bị mang theo một đứa con trai để nối dõi và một bị mang lương thực. 

 

Bánh chưng xanh thuận tiện cho việc tổ chức yến tiệc nhưng lại bất tiện cho hành lý những kẻ vượt đường xa. Vì thế hình vuông đã biến thành hình tròn nhưng chất loại nếp và đậu xanh để làm nhân thì không thay đổi. Và nó có tên mới là bánh tét, người ta có thể giữ nó làm lương thực hàng chục ngày mà không cần phải mang theo dụng cụ chia cắt: Chỉ cần tháo sợi lạt buộc trên mình nó, đưa một đầu lạt vào răng cắn giữ và đầu kia vòng theo hình tròn "tét" mạnh là lát bánh xuất hiện ngon lành. Bánh tét, con đẻ trực tiếp của banh chưng xanh là biểu hiện của cái tết đặc biệt Việt Nam.

 

Người Quảng Nam với nền kinh tế phát triển từ thế kỷ XVII cho đến độ chịu ảnh hưởng của tập tục người Hoa: phải có bánh tổ làm bằng bột nếp và đường nấu theo lối chưng cách thuỷ, đặt trong những cái rọ có lá chuối xanh, trên mặt bánh rắc mè. Không có bánh tổ không thành tết và trên bàn thờ hễ có bánh tét phải có bánh tổ. Thế nhưng mấy chục năm gần đây, cái bánh tiêu biểu cho nguồn gốc xa xôi của người Minh đã âm thầm từng bước bị đánh bại, rồi bánh tét và bánh chưng xanh nghiễm nhiên được chấp nhận như loại bánh tiêu biểu cho bản sắc dân tộc, được đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên.

 

Nhưng, như đã nói ở trên, những "nguyên lý" ăn tết của tổ tiên ta không phải trở thành bất di, bất dịch. Khi nền Hán học suy tàn thì câu đối đỏ của ông đồ già cũng dần dần bị cuốn theo bụi thời gian. Còn cây nêu, tràng pháo cũng không quen tay, quen mắt đối với các đấng hậu sinh. Rốt cuộc, sự thế ngày nay vô tình đã đưa Tú Mỡ (?) lên hàng tiên tri, khi vào thập niên 40 ông đã tiên đoán về những nguyên lý của việc ăn tết mai sau:

 

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

 

Rượu nồng, dê béo, gái xuân xanh.

 

Có lẽ những điều tiên đoán trên chưa hẳn đúng, nhưng còn gái xuân xanh trong các hàng quán karaoke ngày nay mới thật đúng làm sao!.

Theo Lao Động
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo