Ấn tín phát hiện ở Nghệ An có thể là đồ giả
Như tin tức Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa, vào ngày 26/11, ông Trương Văn Sửu (55 tuổi) cùng vợ vào trang trại của gia đình ở Nghệ An để đào đất. Khi đang làm thì bất ngờ ông đào trúng một vật lạ giống ấn tín của vua chúa thời phong kiến.
Vật thể có hình vuông, trên chóp có 9 đầu rồng chụm lại với nhau, vật này được làm bằng kim loại có màu đen, vàng, mặt trước và mặt dưới có dòng chữ Hán. Trọng lượng nặng khoảng 1,6 kg.
Theo ông Nguyễn Đình Dương - Phó trưởng Phòng Văn hóa huyện, vật này có thể là một ấn tín của vua chúa thời phong kiến. Dòng chữ mặt trước tạm dịch là “Cửu Long Kim Tỷ”, mặt dưới tạm dịch là “Đại Thanh Tự Thiên Tử Bảo”.
Liên quan đến sự việc này, ông T.H., một người trong giới chơi đồ cổ đã nhiều năm nay chia sẻ với báo Đất Việt, qua hình ảnh nhìn trên điện thoại được báo chí đăng tải, ông đã thấy đây không phải là ấn tín của vị vua phong kiến nào.
"Các loại ấn tín hiện nay trên thị trường làm giả tràn lan. Nhìn vào những văn tự được khắc thì đúng là chữ Hán nhưng các họa tiết quá thô, rất dễ là đồ làm giả. Về các chất liệu, có thể đúng là vàng nhưng về giá trị lịch sử của nó thì không có gì" - ông T.H cho hay.
Cùng là người đam mê và tìm hiểu lâu năm về cổ vật, anh T. cũng cho rằng, đồ vật được tìm thấy ở Nghệ An không có vẻ gì là đồ cổ.
"Đây nhìn rõ là đồ đồng Đài Loan (Trung Quốc), đúc theo khuôn kiểu mới, không phải kiểu làm ấn tín thời xưa. Thực ra khu vực ở các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh là nơi có nhiều thông tin tìm thấy cổ vật, đồ nội phủ ngự dụng nhà Lý, Trần song thực tế chỉ là đồ giả" - anh T. chia sẻ.
Tuy nhiên, đây chỉ là những phán đoán qua hình ảnh của những người chơi đồ cổ. Để biết chính xác ấn tín được người dân đào được ở Nghệ An có phải đồ cổ hay không thì phải đợi vào kết quả giám định khoa học.
End of content
Không có tin nào tiếp theo