Ăn xin - vấn nạn cần dứt điểm
Ăn xin, nước nào chẳng có và tồn tại như một tất yếu cá biệt của văn hóa bản địa. Việt Nam thì phổ cập thành vấn nạn nhức nhối với đủ mánh khóe. Có nơi còn xem đó là sinh kế, là nghề của cả làng mà Sài Gòn là mảnh đất béo bở. “Cái bang” phía Bắc từng kháo nhau “Sài Gòn là đất ăn chơi. Một gậy, một bị khắp nơi tung hoành”. Cái bang bây giờ không cần gậy, cũng chẳng cần bị mà cần những chiêu trò để dụ người khác thương hại.
Ăn xin Sài Gòn không còn cá biệt mà có cả nhóm, cả gia đình, cả dòng họ, cả người nước ngoài; có kẻ chăn dắt hoặc thủ lĩnh. Có ăn xin trực tiếp, ăn xin gián tiếp và ăn xin trấn lột. Lạ là người Campuchia rất ít ăn xin ở xứ họ nhưng lại lũ lượt qua Việt Nam làm cái bang, nhất là những dịp tết lễ. Có lẽ ở xứ họ, người dân không có thói quen cho tiền người ăn xin?
Tại chợ đêm Siem Reap và đền Ta Promh, có các nhóm nạn nhân của bom mìn ngồi đàn hát rất lịch sự. Họ không xin nhưng du khách nào đi ngang cũng dừng lại cho tiền hoặc mua giúp mấy đĩa CD ca nhạc. Ở các nước, nhiều người kiếm tiền bằng cách bày trò mua vui, giúp khách giảm tress để khách tùy tâm. Số ít, không thể bày trò thì đeo bảng nói hoàn cảnh nhờ mọi người giúp đỡ. Họ ngồi tại chỗ chứ không bu quanh chèo kéo.
Nhiều người từng rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” trước những hoàn cảnh rất thương tâm nhưng cứ băn khoăn chẳng hiểu thật hay giả. Nếu giả, cho tiền là tiếp tay cho cái xấu. Nếu thật mà quay lưng thì thất nhân. Có người còn tự an ủi “cho lầm hơn bỏ sót?”. Cách đây gần 20 năm, dọc đường lên núi Bà Đen (Tây Ninh) la liệt ăn xin.
Tất cả mặc quần dài, đa phần là người cụt giò đến đầu gối, lủng lẳng ống quần; có rất nhiều trẻ em. Cứ nghĩ nạn nhân của bom mìn đâu mà nhiều thế. Tới lúc bảo vệ thổi còi thu gom, họ bật dậy chạy tán loạn. Rồi đâu lại vào đấy, như bắt cóc bỏ dĩa. Thì ra, họ bó chân cực khéo. Dân cái bang dùng đủ cách ngụy tạo vết thương cực giỏi, đóng kịch hấp hối như thật; kể cả việc hành hạ trẻ em, người già, người khuyết tật để xin ăn theo kịch bản chi tiết và kế hoạch cụ thể.
Dẹp vấn nạn này đâu chỉ là việc không cho tiền người ăn xin. Đó là chuyện nhỏ. Cái chính là chính quyền phải làm kiên quyết và triệt để. Thuyết phục, giải thích kèm những biện pháp hành chính nghiêm khắc. Kinh nghiệm dẹp nạn ăn xin đeo bám và cả bán hàng rong chèo kéo ở núi Bà Đen của chị Trịnh Ngọc Lan, Giám đốc Công ty Du lịch Tây Ninh mười mấy năm trước vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn.
Lần lượt, phố cổ Hội An và thành phố Đà Nẵng đều nỗ lực xóa sổ và đã làm được. Phải mạnh tay thu gom các đối tượng ăn xin vào trường trại, tạo việc làm cho họ tùy khả năng. Bỏ tù và xử phạt thật nặng những tên chăn dắt, cho thuê, hành hạ người ăn xin vì đó là tội ác. Có người cho rằng làm vậy là thất đức vì “Ăn mày nào phải đâu xa. Đói cơm rách áo mới ra ăn mày”. Với lại, luật pháp không cho phép.
Nguyễn Văn Mỹ (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một doanh nhân tại TP.HCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo