Anh: Chiến thắng của Đảng Bảo thủ có lợi cho kinh tế
Đảng Bảo thủ Anh đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015 với 331 ghế trong Hạ viện vào ngày 08/5. Một số chuyên gia và các tổ chức nghiên cứu cho rằng, kết quả bầu cử này có lợi cho kinh tế Anh do đảng Bảo thủ để có thể đơn phương thành lập chính phủ mới mà không cần liên minh với bất kỳ đảng nào khác như ở kỳ bầu cử năm 2010.
Theo ông Vicky Redwood, chuyên gia kinh tế trưởng của Capital Economic: “Kết quả cuộc tổng tuyển cử Anh loại bỏ những rủi ro mà nền kinh tế phải chịu đựng trong một thời gian bất ổn chính trị kéo dài”.
Ngay sau khi kết quả cuộc tổng tuyển cử được thông báo, chỉ số chứng khoán chính của Anh FTSE 100 đã tăng mạnh với mức tăng 2,32%, tương đương 159,87 điểm, lên 7.046 điểm.
“Mặt khác, những nền tảng cơ bản của Anh có vẻ khá tốt. Nhìn chung, chúng tôi vẫn khá lạc quan về triển vọng kinh tế”, chuyên gia Redwood cho biết thêm.
Kathrin Muehlbronner, quan chức cấp cao phụ trách tín dụng của Moody’s cũng có thái độ lạc quan về kinh tế Anh.
“Triển vọng đối với nền tài chính công của Anh đã cải thiện rõ rệt. Sau nhiều năm tăng trưởng ở mức rất khiêm tốn, kinh tế Anh đã ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể trong năm 2014. Chúng tôi kỳ vọng kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ trên 2% trong những năm tới, khi những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính dịu dần”, chuyên gia Muehlbronner nhận định.
Mặc dù nhiều chuyên gia và thị trường tài chính có phản ứng tích cực với kết quả cuộc tổng tuyển cử, nhưng những bất ổn vẫn còn tồn tại.
Ông David Cameron, Thủ tướng Anh và là lãnh đạo Đảng Bảo thủ, đã xác nhận lời hứa của ông trong việc tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh nên ở lại hay tách khỏi Liên minh châu Âu.
Theo chuyên gia Muehlbronner, nếu kế hoạch của Đảng Bảo thủ trong việc tổ chức trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU với kết quả là Anh rời khỏi EU thì điều này có thể để lại nhiều hậu quả cho toàn bộ nền kinh tế nước nhà.
Giáo sư Patrick Dunleavy thuộc Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London phát biểu với báo giới hôm 07/5 rằng, cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU có thể được tổ chức sớm nếu ông Cameron tái đắc cử Thủ tướng nhiệm kỳ hai.
“Tôi nghĩ cuộc trưng cầu dân ý có thể được tổ chức vào năm tới, và đầu tư nước ngoài vào Anh có thể bị ảnh hưởng nhiều bởi sự kiện này”, giáo sư Dunleavy nhận định.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, chiến thắng của Đảng Bảo thủ đồng nghĩa rằng kinh tế Anh sẽ phải trải qua một đợt cải tổ tài khóa mạnh mẽ.
Kế hoạch của đảng Bảo thủ xóa bỏ thâm hụt ngân sách vào năm 2018 đồng nghĩa với việc chính phủ sắp tới phải tiếp tục cắt giảm chi tiêu trong nhiều lĩnh vực. Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) có thể được bảo vệ nếu đảng Bảo thủ giữ lời hứa nhưng chi tiêu cho hội đồng địa phương, giao thông và quốc phòng chắc sẽ phải giảm bớt. Làm sao để thực hiện mục tiêu này mà không gây ra bất bình và xáo trộn trong xã hội là một bài toán khó của ông Cameron và chính phủ Bảo thủ của mình.
Theo nhìn nhận của giới phân tích, việc Thủ tướng Cameron nhanh chóng bắt tay vào thành lập chính phủ mới cho thấy ông đã sẵn sàng tiếp tục một nhiệm kỳ hai đầy hứng khởi và tham vọng dẫu không ít thách thức.
NM (Theo THX)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo