Quốc tế

Anh hùng Tam Quốc và những cái chết vì “gót chân Achilles”

Các anh hùng Tam Quốc dù tài giỏi đến đâu vẫn có điểm yếu khiến họ gặp họa sát thân, như tính kiêu ngạo hại chết Quan Vũ, bản chất nóng nảy khiến Trương Phi bỏ mạng.

Quan Vân Trường, Chu Du, Trương Phi là những anh hùng huyền thoại thời Tam Quốc. Mỗi người sở hữu những điểm mạnh, yếu khác nhau nhưng có chung một điểm rằng khiếm khuyết của mỗi người lại chính là nguyên nhân khiến họ bỏ mạng.

Quan Vũ chết vì thói ngạo mạn

Quan Vũ (tự Vân Trường) là vị tướng nổi tiếng thời Tam Quốc. Ông góp phần quan trọng giúp Lưu Bị lập nhà Thục Hán và là người đứng đầu trong Ngũ hổ tướng.

Dưới ảnh hưởng của Tam Quốc diễn nghĩa, dân gian xem hình ảnh Quan Vân Trường cưỡi Xích Thố, tay cầm thanh Long đao là biểu tượng của tính hào hiệp, trượng nghĩa, trung thành. Tuy nhiên, nhiều sử gia khẳng định ông quá kiêu căng, ngạo mạn và chính tính cách này gây ra cái chết của Quan Vũ.

Tam Quốc Chí của sử gia Trần Thọ có rất ít thông tin về cái chết của Quan Vân Trường. Theo Thục Chí, năm 214, nghe tin Mã Siêu hàng Lưu Bị ở Tây Xuyên, Vân Trường đang ở Kinh Châu bèn viết thư hỏi Gia Cát Lượng: “Nhân phẩm, tài năng của Mã Siêu có thể sánh với ai?”.

Quan Vũ.

Biết tính Quan Vũ, Khổng Minh phải lựa cách trả lời để không phật lòng ông: “Mã Siêu chỉ có thể sánh ngang với Trương Phi, không thể siêu phàm tuyệt luân như ngài”.

Mấy câu này xoa dịu sự bất mãn trong lòng Quan Vũ. Ông thậm chí đắc ý, mang thư khoe với nhiều người. Tương tự, khi Hoàng Trung được Lưu Bị phong hàm ngang hàng ông, Quan Vũ đã không hài lòng khi cho rằng chiến công của mình hiển hách sao có thể so ngang với một lão tướng già.

Khi đối chọi với Tào Ngụy tại Kinh châu, Tào Tháo sai người hẹn Tôn Quyền hợp lại đánh Quan Vũ. Trước khi quyết định, Tôn Quyền phái sứ giả tới cầu hôn con gái của Vân Trường cho con trai mình để thăm dò thái độ.

Tiếc rằng, lúc đó, Quan Vân Trường quên hết lời dặn của quân sư Khổng Minh, không chỉ cự tuyệt hôn ước mà còn nhục mạ sứ giả và Tôn Quyền.

Câu nói “nòi hổ không thể gả cho giống chó” của ông xúc phạm nặng nề nhà Đông Ngô, phá vỡ chủ trương chiến lược của Gia Cát Lượng.
Vì thế, các sử gia đánh giá việc Tôn Quyền ngầm hàng Tào Tháo, giết Quan Vũ chính là “quả đắng” do ông quá ngạo mạn. Kinh Châu thất thủ cũng là kết cục từ thói khinh người của Quan Vũ.

 

Các nhà nghiên cứu hiện đại ngày nay ủng hộ quan điểm rằng Quan Vân Trường là nhân vật bi kịch và bi kịch của ông xuất phát từ khiếm khuyết trong tính cách của Quan Vũ.

Trương Phi chết vì nóng nảy

Trương Phi là danh tướng nhà Thục Hán, tự là Dực Đức, người Trác Quận, nay là Trác Châu, tỉnh Hà Bắc. Lúc trẻ, ông cùng Quan Vũ theo Lưu Bị khởi sự.

Tuy là bậc anh hùng, Trương Phi quá nóng nảy, dễ nổi giận, khiến không ít lần ông bị rơi vào bẫy của kẻ địch, cuối đời còn mang họa sát thân.
Năm hai mươi bốn Kiến An (221), Lưu Bị lên ngôi hoàng đế, Trương Phi được phong làm Xa kị tướng quân kiêm Tư mã Thái úy, Tây Hương hầu. Sau đó, Lưu Bị khởi binh đánh Đông Ngô báo thù cho Quan Vũ, sai Trương Phi cầm hơn vạn quân bản bộ xuất phát từ Lãng Trung đến Giang Châu hội binh với Lưu Bị.

Tam Quốc Chí viết: “Phi yêu kính người quân tử mà không biết thương xót kẻ tiểu nhân. Lưu Bị vẫn thường khuyên Phi rằng: ‘Khanh dùng hình phạt quá mức, lại hay đánh đập người dưới, xử phạt xong mà vẫn giữ bên mình, ấy là chuốc lấy tai vạ’. Tuy nhiên, Phi vẫn không chịu sửa đổi”.

 

Trương Phi.

Khi mới khởi quân, do nôn nóng muốn báo thù cho Quan Vũ, ông bắt hai bộ hạ dưới trướng là Trương Đạt và Phạm Cương phải gấp rút may đủ quân trang cờ xí màu trắng cho toàn quân trong thời gian ngắn để để tang cho Quan Vũ, đồng thời dọa sẽ đánh đập họ nếu không hoàn thành.

Cuối cùng, vì sợ bị phạt, Trương Đạt và Phạm Cương nhân lúc Trương Phi say rượu và ngủ say, bí mật lẻn vào và đâm chết, cắt lấy thủ cấp mang nộp cho Tôn Quyền xin hàng.

Chu Du, Bàng Quyên chết vì ganh tị?

Nhiều người cho rằng, việc Chu Du và Bàng Quyên chết vì đố kị, ghen ghét là chi tiết hư cấu do La Quán Trung sáng tác ra theo tư tưởng lấy nhà Thục Hán làm chính thống. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng sự ảnh hưởng lớn của Tam Quốc diễn nghĩa và rất khó thay đổi hình tượng vị anh hùng này trong lòng hậu thế.

Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Chu Du vì ghen tỵ với tài năng của Gia Cát Lượng, cộng thêm 3 lần bị Khổng Minh chọc tức mà hộc máu chết. Trước lúc chết, vị tướng này còn buông câu thống thiết: “Trời đã sinh ra Du sao còn sinh Lượng?”.

 

Tuy nhiên, trong bộ Tướng Soái Trung Quốc Toàn truyện của tác giả Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Tuyết và Dương Hiệu Xuân có ghi “đó là lời lẽ hoàn toàn không đáng tin”.

Theo chính sử, Chu Du vì đau ốm mà đột ngột qua đời năm 210 khi mới 36 tuổi. Sách Tam Quốc Chí nhiều lần khen ngợi Chu Du là bậc anh tuyển dị tài, nhân tài phò vương, thậm chí còn coi ông là vị anh tài văn võ thao lược trong vạn người. Đồng thời, sách không hề đề cập chuyện Chu Du than thở trước khi chết như trên.

Còn về Bàng Quyên, ông cũng được La Quán Trung xây dựng với tính đố kỵ điên cuồng với Tôn Tẫn. Những chi tiết hư hư thực thực đan xen nhau. Năm 341 trước công nguyên, Ngụy vương một lần nữa sai Bàng Quyên đem quân đánh Tề. Để lừa Bàng Quyên đuổi theo quân Tề, Tôn Tẫn dùng kế rút bếp, cứ ngày hôm sau thì lại cho làm bếp ở doanh trại ít hơn so với ngày hôm trước.

Kế rút bếp khiến Bàng Quyên tưởng rằng quân Tề sợ hãi đã bỏ trốn quá nửa. Vì vậy ông bỏ bộ binh, chỉ mang theo khinh binh thúc quân bất chấp mỏi mệt đuổi theo quân Tề ngày đêm.

Về phần mình, Tôn Tẫn trù tính trước sẽ đánh úp quân Ngụy ở Mã Lăng Đạo, một con đường hẹp có hai bên vào hiểm trở, dễ mai phục, khó lui quân. Tôn Tẫn cho quân dùng cung tên mai phục cẩn thận, lại cho sơn trắng cây trên đó có ghi chữ: “Bàng Quyên chết ở dưới cây này”.
Quả nhiên, Bàng Quyên cùng tinh binh bị lừa vào rọ lúc nửa đêm, khi Bàng Quyên đốt lửa để đọc chữ thì Tôn Tẫn cho quân phục kích bắn tên tới tấp. Bàng Quyên thấy thế cùng lực kiệt bèn tự đâm cổ chết, trước lúc chết còn than rằng: “Thế là ta làm cái thằng ấy nổi danh”.  Ai cũng hiểu “thằng ấy” mà Bàng Quyên nhắc tới là Tôn Tẫn.

 

Tào Tháo chết vì đa nghi

Tào Tháo là vị tướng thời Đông Hán, người có công lớn cho cuốn binh thư nổi tiếng là Binh pháp Tôn Tử. Theo chính sử, Tào Tháo mắc bệnh đau đầu trong nhiều năm nên sai người triệu danh y Hoa Đà, là người đồng hương ở huyện Tiêu, nước Bái thuộc Dự Châu, đến chữa trị. Do thuốc của Hoa Đà hiệu nghiệm, ông đã giữ thần y lại bên mình.

Được một thời gian chưa xong, Hoa Đà xin về nhà thăm vợ có bệnh, lại xin nghỉ thêm ít lâu nữa. Tào Tháo nghi ngờ, sai người đến dò xét thì thấy vợ Hoa Đà không có bệnh gì, bèn hạ lệnh bắt Hoa Đà vào ngục hỏi tội. Bị cai ngục tra tấn, Hoa Đà chết trong ngục.

Tào Tháo.

Năm 219, Tào Tháo lại tái phát bệnh đau đầu. Ông giao lại bản doanh Nghiệp Thành của nước Ngụy cho thế tử Tào Phi quản lý, còn mình về Lạc Dương dưỡng bệnh. Bị bệnh đau đầu hành hạ không có ai chữa được, tháng giêng năm 220, Tào Tháo qua đời, thọ 66 tuổi.

Tuy nhiên, trong Tam Quốc diễn nghĩa, La Quán Trung viết rằng Tào Tháo mở hộp đựng thủ cấp Quan Vũ ra, thấy râu tóc dựng đứng lên, trừng mắt ra nhìn. Ông hoảng sợ tới mức tái phát bệnh đau đầu. Hoa Đà được triệu đến chữa bệnh, đề nghị bổ đầu ông ra để phẫu thuật. Ông nghi ngờ Hoa Đà muốn giết mình nên bắt giam thần y vào ngục. Hoa Đà chết trong ngục, không lâu sau thì Tào Tháo cũng chết.

 

Nên đọc
Theo Zing
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo