Thị trường

ANZ thận trọng với thâm hụt thương mại của Việt Nam

(DNVN)-Trong báo cáo triển vọng kinh tế khu vực Sông Mêkong công bố ngày 15/6, bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng ANZ đã tỏ ra thận trọng với tình hình thâm hụt thương mại của Việt Nam.

Theo số liệu thống kê, trong 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập siêu khoảng 3 tỷ USD do nhập khẩu tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong khi xuất khẩu chỉ đạt mức tăng trưởng 7,5%. 

 

Việt Nam đã nhập siêu khoảng 3 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay
Việt Nam đã nhập siêu khoảng 3 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay

ANZ lý giải rằng, số liệu nhập khẩu tăng do nhập khẩu các máy móc thiết bị và sản phẩm điện tử, mà cả 2 nhóm hàng này được sử dụng để phát triển các ngành có định hướng xuất khẩu của Việt Nam. Tình trạng thâm hụt thương mại hiện tại của Việt Nam khác với tình trạng nhập siêu khổng lồ ghi nhận trong giai đoạn 2008- 2010 khi nền kinh tế nội địa có dấu hiệu tăng trưởng quá nóng.

Thực tế, nhập siêu ở mức cao đã buộc Ngân hàng Nhà nước trong tháng 5 phải thực hiện lần điều chỉnh tỷ giá thứ hai trong năm nay, một động thái được coi là sớm hơn dự đoán. Sau đợt điều chỉnh tỷ giá mới nhất, tỷ giá liên ngân hàng đã giảm trở lại nhờ lượng thanh khoản bơm ra từ Ngân hàng Nhà nước. Do đó, ANZ tiếp tục dự báo tỷ giá VND/USD sẽ tiếp tục đứng ở mức 22.050 vào cuối năm nay.

Cũng theo báo cáo triển vọng kinh tế khu vực Sông Mêkong, ANZ cho rằng, nền kinh tế nội địa của Việt Nam đang tiếp tục tăng tốc khi nhiều chỉ báo củng cố quan điểm rằng tiêu dùng nội địa đang cải thiện và sẽ hỗ trợ nền kinh tế phục hồi trong năm 2015-2016. Theo đó, chỉ số Tâm lý Người tiêu dùng Việt Nam do ANZ-Roy Morgan tổng hợp, doanh số bán ô tô, và doanh số bán lẻ đều ghi nhận mức tăng đáng kể trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngóai. 

Từ những dữ liệu tích cực này, ANZ đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,5% cho năm 2015. Tuy nhiên, ngân hàng này lại hạ dự báo lạm phát của Việt Nam xuống 1,7% từ mức 2% trước đó, cho rằng lạm phát đang yếu và gần đây thường thấp hơn dự báo.

NM (T/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo